Người bán cũng chẳng buồn đuổi ruồi nữa. Người mua tay xách bó củi mớ
rau, tay ẵm con, dắt con, vừa đi vừa kêu rên giời đất khó khăn! Ăn mày và
cả những trẻ không phải ăn mày cũng lê la ở những hàng ốc luộc, nhặt
những con ốc ăn rồi mà mút, mà moi lại ruột.
Chấn đã không dám quay giở lại. Chấn sang đò bến sông Tam Bạc để
xem thêm một cảnh thổ khác.
Sang bến đò đây, một phía trông sang Xi măng, một phía trông xuống
khu sông Lấp, Chấn mới lại thấy vui vui. Bên Xi măng tuy không sầm uất
như những năm 1927, 1928 nhưng nhìn lên những tầng máy, những ống
khói, vẫn thấy không khí hoạt động hẳn lên. Ngoài nhà máy, thuyền đá,
thuyền đất, sà lan, ô tô và ba chiếc cần cẩu vẫn có hàng lên xuống: tuy
người làm thưa thớt chỉ bằng một nửa trước kia. Những nhà máy Carông,
Comben vẫn làm vang động đường phố với những tiếng máy chạy, búa đập.
Ở bến đò Nhật Bản và bến đò Cát Cụt, thuyền, xiệng và các lán củi lán
gạch cũng còn nhộn nhịp. Mấy hàng quà trên sông, tiếng rao lanh lảnh,
hàng này chưa dứt, hàng khác đã cất lên.
- Bảy năm phát triển của nền kỹ nghệ, khoa học, văn hóa của đế quốc
đấy!...
Chấn quay lại nhìn lần nữa cái Sở mật thám ở tít đằng cuối đường, và
nhìn cái điện thờ lúc nhúc người lễ bái ở cái vườn hoa mà chẳng có lấy một
cây hoa ngay trước khu nhà ở của tên quan năm cai quản quân đội của cả
thành phố hải cảng Hải Phòng và Quảng Yên, Đông Triều, Kiến An nọ. Cái
hình ảnh một mụ già móm mém nhưng mặt mày tóc tai hết sức chải chuốt
đội một vòng lá vạn thọ, có hàng mấy chục bàn tay như râu bạch tuộc, và
cầm súng cắm lưỡi lê, dao máy chém, dùi cui cao su, túi đựng vàng, sách
kinh, vừa quờ vào mồm thịt, rượu, mà Chấn tưởng tượng ra để làm hiện
thân cho đế quốc Pháp, lại làm Chấn vừa gai gai vừa buồn cười. Chấn nhăn
mặt, lắc đầu, Chấn bỏ những ý nghĩ và hình ảnh nọ, lại nhìn lên trời cao và
những chòm cây ở hai bên đường.