Gái đen lại càng tủi và xót xa cho bố.
Lương thì chỉ được cái người cao nhưng da dẻ bủng bớt, mặt mũi hốc
hác thế kia. Còn Chấn vừa gày vừa xanh trông hao hao giống Thanh. Chỉ
có khác cặp mắt, cặp mắt Chấn không sáng, không sắc - không hiểu Chấn
bị đau mắt hột hay lông quặm nên thỉnh thoảng Chấn lại lấy khăn tay chấm
chấm - nhưng cũng quăm quắm như mắt ông Gái. Những khi Chấn đưa
nhìn thì mắt Chấn loáng lên và khi Chấn có vẻ để ý việc gì thì mắt gằm lại,
cương quyết vô cùng. Sức vóc Chấn so với bố Gái lại càng thấy yếu!
Nhưng sao bố Gái lại không sống mà về dịp này? Bố Gái còn vậm vạp chắc
người hơn cả chú Sấm; công việc nặng nhọc, khó khăn không ai làm được
bố Gái cũng coi như không; ăn khỏe lại dễ ngủ nữa cơ mà! Từ ngày Gái lớn
lên, Gái chưa thấy bố phải xông nồi nước lá tre, bôi tí dầu bạc hà, hay ăn
bát cháo hành bao giờ. Lần mẹ Gái phải chạy thuốc cho bố Gái là ngày bố
Gái ở Sở mật thám lấy cung xong giải sang đề lao chờ đăng đường. Mẹ Gái
cắt thuốc bắc luyện giả làm chè kho vào phép cho bố Gái. Chuyến đưa quà
bánh, thuốc men cho bố Gái ấy là lần thứ nhất và cũng là lần cuối cùng vợ
chồng, bố con nhìn thấy mặt nhau trong chốn lao tù.
Thêm mấy bọn khách nữa đến. Có cả khách trẻ con. Bọn thằng La,
thằng Nghĩa và mấy đám trẻ ở xóm trong. Thấy các ông tướng ấy mắt cứ
như mắt long thần sấn sấn sổ sổ định rút thuốc lá, Cam phải đến hai tay
xoắn lấy hai tai hai tướng, kéo vào cái giường ở gian trong. Mâm cơm cúng
đã bày xong. Bà Gái bưng lên, Gái đen đỡ tay cho mẹ, đặt mâm trước bài
vị. Đủ cả thịt gà, thịt lợn. Đồ nấu có cả mực, bóng, chim hầm măng miến.
Củ cải, cà rốt, hành cũng tỉa thành hoa lá, vừa nấu độn vừa làm dưa góp.
Lương, Chấn vừa ngạc nhiên vừa rưng rưng cả tâm trí thấy cạnh đĩa chả
quế, giò lụa có một đĩa đậu phụ luộc và chén con mắm tép trên rắc hành củ
chẻ tư và gừng thái nhỏ như chỉ.
Món ăn thích nhất của Quất.