Cũng cái giọng nao nuốt vang lảnh ấy một hôm khác lại làm Huệ Chi
ngạc nhiên. Nhưng không phải là của cái nhà bà gày yếu, rầu rĩ đọc kinh
dưới chân cột sau tòa giảng trong nhà thờ. Đó là giọng của một người trẻ
tuổi, của một người trai trẻ. Giọng ấy cất lên ở mé đầm, từ gian nhà nhỏ ở
góc vườn rau đằng kia. Rồi tiếng trẻ đọc theo, đọc rất đều một bài học rất lạ
không thấy sách nào có cả, nhịp với tiếng thước kẻ dõng dạc. Huệ Chi hỏi
bá Chính thì bá Chính bảo chính là con giai lớn cái nhà bà tốt giọng. Bá
Chính còn cho biết nhiều chuyện hơn: chuyện cô Na thơ kinh ngày xưa ở
Nam Định cùng một giáp với mẹ Huệ Chi. Cho tới hôm nay, Huệ Chi mới
được biết mặt cậu giáo thằng Chú thì cậu giáo thằng Chú lại là cái người
học trò mà Huệ Chi ngồi trong xe nhìn ra nhiều lần phải chú ý và lại là con
"cô Na".
Thanh vẫn không để ý gì đến bên ngoài.
Cu Chú đọc trơn tru rồi. Thanh viết chì cho nó tô. Hôm nay viết chữ d
và chữ đ. Thanh viết ra cái bảng đen hai chữ to, trỏ từng nét dặn nó chú ý
rồi bắt tay nó viết thử bằng phấn. Sau đó mới bắt tay cu Chú cầm bút chấm
mực viết tô mấy chữ. Tất cả sự thận trọng, chăm chút nổi lên gương mặt
Thanh. Vẫn đôi mắt sáng chau lại và hai lằn gân xanh ở thái dương trồi lên
phập phồng, vẻ mặt vừa cố gắng mà buồn buồn. Thanh càng dễ dàng bảo
ban thằng nhỏ, càng nâng giữ bàn tay cầm bút của thằng nọ bao nhiêu, Huệ
Chi lại càng thấy vừa ái ngại vừa mên mến. Làm Huệ Chi hồi hộp vẫn là
đôi mắt của Thanh. Đôi mắt cũng sáng, vằng vặc, phảng phất có chút gì
giống cha mình, nhưng lại không được như cha mình, có vẻ lặng lẽ mà
cương quyết.
- Để cậu ta dạy thằng Chú mấy tháng nữa rồi mình nói với thím Tú,
nói với bà, bảo cậu ta lên hẳn trên nhà vừa kèm thằng Hùng, vừa kèm thằng
Chú, thêm mỗi tối một giờ, tháng tháng giả cho cậu ta mười đồng cho đáng
cái công...
Huệ Chi chớp chớp mắt: