em đồng chí của cha Cam tuy không thấy nhưng bên bờ sông nước vẫn như
thấp thoáng các ống khói và tiếng còi súp lê ùm ùm xa vời vợi. Cha Cam
chết rồi! Đích thực cha Cam chết rồi! Cùng ra đi với nhau, chỉ có mấy
người về, còn thì bao nhiêu kẻ ở lại trong số đó có cha Cam. Ở lại với một
nấm mộ mà dù anh em có khắc cho cẩn thận tấm bảng gỗ và còn giồng
thêm một gốc ổi, thì cũng chỉ mấy năm là sụt lở, cát lại hoàn cát. Hay dù
nấm mộ có lâu mới lún thì nhà Cam cũng không thể nào ra thăm viếng và
đưa về nắm xương tàn ấy được. Thật là mất! Không còn cách gì có lại, gặp
lại được nữa ở trên đời này một người cha đã chết!
Trong lúc nói chuyện với ông Cam với mẹ Cam, cũng như khi nói
chuyện với Thanh, với Xim, với chú Sấm, hai bác Chấn, bác Lương chỉ kể
cho nhà Cam biết sơ sơ về bệnh tình của cha Cam thôi. Còn thì toàn kể
những chuyện đấu tranh và tinh thần của cha Cam. Nghe như thế cả nhà
Cam cũng đỡ xót xa vì thấy người nhà của mình đã cáng đáng mọi việc cho
anh em đến quên cả thân mình, nên anh em ai ai cũng quý, cũng mến, cũng
tiếc. Cha Cam và anh em đã đùm bọc lấy nhau hơn cả ruột thịt, và ngay
trong những ngày đen tối khó khăn cũng vẫn vui vẻ, tin tưởng ở ngày cách
mạng thành công, cùng nhau tìm đủ các cách làm cho đời sống đỡ khổ.
Không! Cam không chỉ muốn nghe có thế. Cam muốn biết nhiều hơn, rõ
hơn dù là những điều đau khổ nhất, khủng khiếp nhất mà cha Cam phải
chịu. Bác Chấn, bác Lương tuy giấu và giấu rất nhiều chuyện của cha Cam,
nhưng Cam đã nghe chú Sấm và những nhà có người đi tù về kể lại, thì
thấy đấy chỉ là một phần trăm, phần nghìn sự thực về cha Cam thôi mà lại
còn nhẹ đi nhiều lắm. Biết được rõ như thế Cam không thấy hoảng sợ hay
buồn đâu! Cam tuy mười sáu mười bảy tuổi, nhưng Cam không phải là còn
bé, và là thằng bé hèn. Chẳng gì Cam đã ra đời đi làm, cánh tay mình nuôi
mình. Nhất là Cam lại có một người cha như cha Cam, có một người ông
như ông Cam, và cả cha Cam lẫn ông Cam đều là những kẻ trọng nghĩa
quên thân!