bố rồi. Cha Cam được đồng nào đưa cả về nhà đồng ấy. Cho đến lúc lấy mẹ
Cam có chị em Cam, cha Cam vẫn tằn tiện như thế. Hàng quà nào cũng lắc
đầu. Có một lần cha Cam mua năm xu chuối, và bao thuốc lá Mêlia thết
bạn, thì tất cả bọn đàn bà con gái nhà máy đều lè lưỡi. Chuyện ấy kháo về
đến nhà. Mẹ Cam ra đường cứ đỏ nhừ cả mặt vì các mẹ ranh cứ nhấm nháy
nhau cố nói cho to để mẹ Cam và cả xóm biết.
- Nhà Quất nó mua để thiết bạn hay nó mua vì dì nó mới dọn hàng
nước đấy?!
- Cứ cái má cái mắt ấy thì cướp sống chồng min lúc nào không biết
cho mà xem!
Mấy năm giời, hết ngày lại đêm, chỉ những lửa cùng than cùng bụi,
thế mà cha Cam chịu được. Trước khi cha Cam bị bắt vào Sở mật thám,
vào đề lao rồi đi đày thì cha Cam sống cái đời bán sức lao động cũng đã là
thân tù thân tội cho bọn tư bản giàu sang rồi. Nếu như ở Côn Lôn, Sơn La
hay Công Tum, cha Cam và các anh em tù đày phải nổi dậy bắn phá cho tan
nát hết đi, thì ở Hải Phòng này, cả Hà Nội, Hòn Gai, Nam Định, cũng phải
bắn phá cho tan nát hết đi những lâu đài, vila, nhà máy, các sở, các tòa đã
làm người ta khổ ải, đã hút xương tủy người ta. Phải! Chỗ phá thì phá! Chỗ
cướp thì cướp. Cướp lấy như nhà băng, cửa hiệu, kho vải, tràn gạo mà chia
cho những người nghèo đói. Sống mà làm trâu ngựa, nô lệ thì sống làm gì?
Cam đi lối trại pháo thủ, qua cầu Hạ Lý. Đây đèn thì thưa, bóng cây
lại che khuất gần hết. Sông Tam Bạc vắng ngắt. Chỉ thấy leo lét mấy ánh
đèn ở mấy chiếc đò bán hàng đêm. Sương mù mịt không còn để trông thấy
gì ở ngoài cửa sông. Trong khoảng tối thẳm, ngoài xa chỉ có tiếng ù ù của
sóng. Chợt một hồi còi tàu rền rền nổi lên. Một tàu nhỏ, bên mạn kéo một
chiếc đèn đỏ, khoang giữa lù mù chiếc đèn bão, xình xịch chạy ra cửa sông.
Cam đứng lại trông theo con tàu, tâm trí lạnh buốt đi. Cam vụt tưởng
đến có những tàu nhỏ như thế và cũng những đêm tối lạnh như đêm nay nổi