đó là công việc đường dài. Nhưng việc này chính là việc trước mắt, Sấm
phải cố thu xếp sớm cho Cam để Sấm còn kèm cặp Cam làm ăn. Công việc
thứ hai là để Cam theo dõi thanh niên, vận động họ đọc sách báo để dần
dần tuyên truyền tổ chức đấu tranh.
- Nó còn ít tuổi, ngựa con háu đá, thì tính nết như thế. Lớn lên nó sẽ
khác. Rồi đây lại được các bạn đồng chí của bố về giác ngộ, kèm cặp cho
thì phải khá!
Cam không uống hết bát nước, chào các ông, các bà đi về. Cam không
đi xem tuồng. Có chuyến cam nhông chở xi măng ra Sáu Kho, Cam cũng
không đáp xe về nhà. Ra bến đò, Cam cho người cháu ông cụ chở đò tấm
vé. Cam lại đi lững thững sang phố. Trời càng lạnh. Những ý nghĩ lại cồn
cào trong tâm trí Cam.
Cha Cam mất rồi? Cha Cam thật mất rồi! Cả cái nhà máy mà cha Cam
vào làm hàng hai mươi năm, từ thằng bé gõ đinh đóng thùng đến đội đất,
làm đá, rồi vào làm cu li gầm lò kia, - cái nhà máy Cam kế chân cha và đôi
lúc đã nghĩ đến có thể một ngày nào đó cha Cam lại trở về, cùng làm với
Cam - cái nhà máy quen thuộc hơi hướng ấy cũng chứng thực điều đau xót
đó: cha Cam thật mất rồi! Mấy bác cuydơ tóc đã bạc bạn của cha Cam vẫn
đứng trên lò kia! Những người cùng làm ca kíp với cha giờ làm ở máy
gạch, ở nhà tháo, vẫn hỏi gọi Cam. Cái chỗ cha Cam ngồi nghỉ và cái điếu
cày có thể đánh chết được người mà anh em gọi là thiết bổng của Tề Thiên
Đại Thánh ấy, vẫn là chỗ tụ tập của cu li xúc bột gầm lò và chuyển gạch
cờlanhke. Đây, một dạo Cam cũng đẩy goòng, men men ngồi nghe bọn giai
tộc tán các thứ chuyện trên đời. Các ông, các bác bạn của cha Cam bảo
Cam giống cha như lột. Chao ôi! Như thế thì lại càng xót xa cho cha Cam
quá! Vì có những cái Cam lại không giống được cha, nhưng làm sao mà
các ông, các bác kia biết được?!
Đó là sự chịu thương chịu khó, chắt chiu dè sẻn của cha Cam. Nghe
ông Cam kể thì mười ba tuổi cha Cam đã đi đội than đội đất đưa tiền về cho