sâu hút. Gió vẫn xoáy xuống. Cái đống gạch lưu cữu vẫn y nguyên, lại còn
thêm gỗ sắt chồng lên. Cái khe giấu ống sắt hòm tài liệu bem vẫn to hó cái
lỗ để luồn giấu tài liệu nhưng không có gì cả.
Năm năm rồi... Sấm mất liên lạc với tổ chức. Sấm hết sức tìm mà
không chắp lại được mối. Sấm càng nghe ngóng tin tức anh em thì càng
biền biệt. Và có lần Sấm suýt bắt liên lạc phải một thằng chỉ điểm làm ở
nhà điện cùng sở! Sấm đã nhiều lúc thấy mình như không thể sống được
nữa. Sấm có tai mà không được nghe. Sấm có mắt mà không nhìn thấy ra
việc. Sấm có miệng mà không được nói cho thỏa ý. Và chân tay Sấm như
bị trói lại. Những anh em bà con thợ thuyền cũng bị như thế. Trong khi ấy,
đế quốc, thống trị cứ mỗi ngày một đè lên đời sống của Sấm, của giai cấp
của Sấm, của quần chúng lao khổ ở chung quanh Sấm, cơ hồ không gì lay
chuyển được nữa. Nhưng hơn năm nay, không khí nhiều nơi đã thấy có
những chuyển biến, phong trào của thợ thuyền tuy không có những cuộc
đấu tranh rầm rộ như những năm 1930-1931, nhưng những yêu sách ngày
làm tám giờ, tăng lương, thi hành luật lao động, không những chỉ rầm rì mà
còn công khai bàn tán ở các nhà máy, xưởng thợ. Rồi mấy tháng nay,
những chính trị phạm, những anh em cộng sản lần lượt ở các nhà tù thả ra,
đi về các tỉnh. Những bạn của Quất cũng về. Tuy Chấn, Lương không quen
Sấm, nhưng qua các câu chuyện thì Sấm thấy Chấn có vẻ để ý đến Sấm.
- Ừ, phải giữ nguyên tắc bí mật, nhưng trước lúc chết, chắc Quất cũng
phải nói chuyện mình với anh Chấn hay anh Lương chứ! Hay không thì
cũng giới thiệu lại mình cho một đồng chí nào về Hải Phòng chứ? - Sấm
ngẩn mặt ra tự nhủ.
- Kìa uống nước đi chứ, chè tươi mới hãm đấy!
Mấy bác cuydơ rót nước cho Sấm và cho cả Cam. Cam bưng đưa cho
Sấm. Sấm nhìn Cam, nghĩ đến những nhận xét về người, về nết của Cam
lúc ban nãy. Sấm lại tính đến việc phải chạy cho Cam chân chấm dầu ở đây,
rồi kèm Cam lên phụ lò. Cam sẽ nên người, theo được chí hướng của cha,