nghe họ kể lể giối giăng nhiều chuyện, nhiều việc vào lúc ông cụ dậy và
ngọn đèn kia vặn sáng lên...
Ông già phe mì cũng là nhà pha. Ông cụ án khổ sai chung thân. Hai
con trai ông cụ, người lớn bị án chém, người con thứ mới mười bảy tuổi bị
hai mươi năm. Anh bé này phát vãng lên đây chưa được năm năm thì bị sốt
rét phát nóng phát điên chết. Còn ông cụ ở đã được hai mươi năm. Tỉnh Hà
Giang xây đề lao này được bao nhiêu năm, ông cụ ở bấy nhiêu năm. Cũng
như có nhà phe mì từ bao lâu thì ông cụ ở bấy lâu. Ông cụ chịu khó lắm,
nhất là hiền lành, như người cổ xưa ấy. Bởi vậy ông cụ đi làm sở nào thì từ
người nhà các quan đến chú lính bác bếp thầy cai ngài đội đều vừa ý. Tuy
ông cụ ở mới được năm năm, quản đề lao cũng cho ông cụ tháo xiềng. Rồi
từ ngày đề lao có nhà phe mì, ông cụ được cắt giữ ngay chân loong toong,
không phải làm cỏ vê nữa. Ngày ngày ông cụ xách cái thùng ngăn ra nhà
thương lấy thuốc, hay quản đề lao có sai phái đi phố đi chợ việc gì, ông cụ
đều đi một mình. Không riêng những người nhà pha quý mến ông cụ mà cả
những người ngoài phố, những người nhà lính Thổ lính Mèo đối với cụ
cũng như thế. Ông cụ có môn thuốc dấu bó xương và môn châm cứu bệnh
nhức đầu buốt óc. Một hiệu Quảng Đông bán thuốc bắc to nhất tỉnh có
người con trai con một đi ngựa chơi núi ngã gẫy chân, phải đưa con về tận
Hà Nội chữa điện cũng không khỏi, đã tưởng con phải chịu cố tật, vậy mà
nhờ ông cụ chỉ có nắm thuốc lá với con gà giò mà lành như trước.
Ông già phe mì năm nay sáu mươi nhăm tuổi rồi. Nghe phong thanh
trên tòa Thượng thẩm định đến năm ông cụ bảy mươi mới giảm án cho.
Tuy người chủ hiệu thuốc kia đã nói với nhiều cửa cho ông cụ, nhưng vợ
chồng lão Tây quan hai giám binh về hưu chủ đồn điền Bắc Giang bị cha
con ông cụ đâm chết thằng con, cứ nhất định viết giấy bảo các quan tòa
không được giảm án. Đã thế cả các quan sứ, quan tuần ở tỉnh ông cụ cũng
không bằng lòng ân giảm cho ông cụ.