làm thằng em ta sống lại...
Câu nói này đương thầm thì trong tâm trí Vy lớn, một câu nói khác
bỗng cắt ngang:
- Nhưng nếu cuộc sống và cái xã hội này không biến đổi và biến đổi từ
gốc, thì cả ông mày, cả cha con anh em nhà mày cùng với mọi người nghèo
khổ bán sức lao động khác cũng vẫn chỉ kéo dài cuộc đời làm thân nô lệ tối
tăm cùng kiệt thôi!
Vy lớn lặng hẳn đi. Vy lớn lại phải nghĩ lan man sang nhiều chuyện
khác. Vy lớn lại phải nhớ đến nhà ông cụ năm xưa chạy đói nhà quê, dắt
cháu ra tỉnh kiếm việc không được rồi chết ở Máy đá. Ông cụ người còn
già hơn ông Vy, gày gò khẳng khiu, móm lép cả miệng, da khô róc đen như
than. Ông cụ chết ngồi, mặt gục xuống đầu gối, hai tay ôm lấy như cố giấu
mặt đi, cố giữ cho mình được ngồi khuất như thế mà chết. Hôm ấy hai
mươi tám Tết, cả trong làng và các nhà đò, tiếng lợn đã kêu eeng eéc. Trời
rét, Vy lớn đi đưa cơm cho bố, cho ông. Mẹ Vy lấy cái áo dạ màu cứt ngựa
nặng như cái chăn bông đụp của ông Vy khoác cho Vy lùng thùng gần quét
đất. Áo này lúc nào về tầm ông Vy sẽ mặc. Mẹ Vy còn quấn cả đầu cả cổ
cho Vy cái khăn bông làm tã cho em. Vy cứ nghển mãi người, lắc đầu, đẩy
tay mẹ đi, nhưng vẫn cứ phải mặc áo quấn khăn. Ông cụ nọ chết chỉ đóng
khố, mặc cái xác tải bao gạo cắt một lỗ để chui lọt cổ, tay cụt, khâu bằng
đay, ngồi thom thỏm giữa đống đá ngoài bờ sông.
Không hiểu ông cụ có bà con nào ở đây không? Ông cụ chết từ bao
giờ, chết vì ốm hay vì làm sao?
Người ta đã bàn tán nhiều chuyện với nhau về ông cụ nọ. Mỗi người
một cách, mỗi người một ý, rồi quy kết thành nhiều điều mà ai nghe cũng
thấy đúng, cũng thấy có lý, nhất là cũng thấy thương xót ai oán. Duy có cha
Vy không nói gì cả. Vy thấy hình như cha Vy không nghĩ, không đoán như
những người chung quanh. Vy đã băn khoăn vì sự lặng lẽ đặc biệt của cha,