Tưởng đến ngày kỷ niệm sắp tới với các cuộc đấu tranh sẽ nổ ra và
những việc mình sẽ được cắt cử, cùng các anh chị em, đồng chí chiến đấu,
Xim lại càng thấm thía vì đời sống hiện nay của Xim. Từ một cái bé theo
mẹ đi làm đứng phụ máy với mẹ ba bốn năm, Xim thành một thợ lành
nghề, rồi khi mẹ nghỉ nhà, Xim đã đứng trông hai máy của mẹ hơn tám
năm. Vậy mà Xim bị đuổi, bị thất nghiệp, phải xin vào làm ở cái xưởng
thêu rua, sống những cảnh làm ăn khốn khổ khốn nạn, bóc lột tàn tệ thế này
đây! Và rồi đây cứ phải bám lấy cái xưởng này thì đời Xim sẽ ra sao?
Tiếng chuông điện cho thợ nghỉ tầm ran ran trên xưởng máy. Dưới
xưởng thêu rua, người làm còn phải ở lại thêm mười lăm phút để thu xếp
đồ lề và giao hàng cho người chị họ bà chủ làm cai xưởng rồi mới được ra
về.
Trời về chiều ráng càng đỏ. Đường nhựa loáng lên như có lửa. Xim đi
cùng đường với chị bạn khâu đầm đứng tuổi và cô học sinh người đen, béo
đẫy mà Xim đương chú ý. Trong đám chị em về đông, cô thợ thêu ít tuổi
nhất ấy lại kể những tin tức trên báo về tình hình chiến tranh, về những
thông báo của chính phủ bên Pháp, ở Đông Dương, vừa nhắc lại những câu
nói của bà chủ xưởng, và gợi đến cảnh cuối tháng cùng quẫn của thợ với
một giọng mai mỉa rất ý nhị, thấm thía. Thấy Xim đăm đăm nghe mình nói,
và có nhiều người ồn ồn lộ sự bực giận xót xa, cả người con gái ấy và
người khâu đầm đứng tuổi càng long lanh đôi mắt nhìn Xim, nhìn mấy bà
mấy cô đi bên như để hỏi:
- Chúng ta bị lừa dối, bóc lột như thế đành chịu mãi sao?
- Phải! Chúng ta phải bảo nhau làm gì để không những chúng ta không
phải chịu những cái đó mà còn làm cho đời sống chúng ta đổi khác đi chứ?
Tâm trí Xim lại nao nức hẳn lên. Xim cũng long lanh mắt nhìn mọi
người để hỏi thầm thêm câu trên đây. Đến đầu đường Xim sẽ sàng chào
mọi người, hẹn ngày kia lại rủ nhau đi tầm, rồi Xim rẽ về xóm nhà. Xim