tháng cho khỏe đã. Mẹ La sợ quá, sụp ngay xuống lạy họ, rồi khóc kể thật
mọi sự tình nông nỗi.
Một người thợ đã có tuổi trong bọn nhận ra mẹ La là người cùng tỉnh.
Ông khuyên mẹ không nên nôn nóng. May mẹ gặp bọn ông chứ nếu không
bị cắt đầu, xẻo tai thì cũng bị bắt giải tổng đoàn rồi. Thế nào mẹ cũng phải
ở lại đây. Thuốc men ăn uống là chính, nhưng cần hơn nữa là phải nghe
ngóng động tĩnh rồi tìm người thật tốt biết đường biết lối mà đi theo. Về
được đến Tuyên Quang hơn trăm cây số đường đất gian nan hiểm nghèo
lắm. Rồi về được đến Phú Thọ cũng vẫn chưa phải đã hết gian truân. Chính
đoạn đường này mới là cửa tử. Đây là ngã ba sông và ngã tư bốn tỉnh. Phải
ở lại nghe ngóng xem xét rồi sẽ nhờ thuyền nhờ bè mà về Hà Nội, không
thì vẫn phải đi bộ đi tắt, chứ đằng thằng bằng tàu hỏa ô tô thế nào cũng lại
bị bắt. Đến các lái thuốc phiện lọc lõi nhất và cả các người chuyên làm
nghề mang nhựa mang thuốc cũng ngại nhất chặng đường từ Phú Thọ về
Hà Nội.
Mẹ La đành phải ở lại cái lán thợ làm gỗ nọ đúng nửa tháng. Hôm mẹ
ra đi, bọn thợ còn cho mẹ người năm hào, người ba hào; có người nắm vào
tay mẹ hẳn tờ giấy bạc một đồng. Ông thợ nhận mẹ La người cùng tỉnh thì
đưa mẹ đi. Ông cũng phải về vì được thư thằng con trưởng của ông sắp bị
bắt đi lính sang Tây. Ông phải đem tiền về, một là chuộc con, hai là đấm
mồm, đấm miệng bọn hương lý chúng đương nhòm ngó các nhà có người
đi làm xa kiếm ăn được còn hơn cả cú nhòm nhà bệnh. Lần này, mẹ La ăn
mặc đường hoàng, quần nái thâm, ái dài vải nâu, khăn vuông láng, giả làm
người lên trên đây đi đổi thuốc lào.
Hai người đi toàn đường tắt, luồn rừng và qua những bản những trại
sâu lảnh, cheo veo nhất. Hàng tuần mới gần đến Tuyên Quang, vào trọ ở
một nhà cũng người dưới xuôi lên vỡ bãi ở ven sông Lô, định chờ thuyền
chờ bè người quen để xuôi Phú Thọ, thì mẹ La lại sốt. Trận này, mẹ La
không ngất đi nhưng bại hẳn cái nửa bên người mọi khi giở trời vẫn tê liệt.