Có ngày mẹ La bỏ cả cháo, chân tay lạnh như đồng ngâm, chỉ nằm mà thở.
Ông thợ cùng tỉnh mẹ La đã chạy thuốc và cho mẹ La ăn uống mất thêm ba
ngày nữa. Sáng hôm ông ta gửi gắm mẹ La ở lại nhà trọ để về xuôi, mẹ La
lại càng mê man. Mắt mẹ đã có lúc đờ ra. Môi khô nứt. Tay bắt chuồn
chuồn...
Nhưng mẹ La lại tỉnh, lại trỗi dậy được.
Trong hơn một tháng liệt giường liệt chiếu, mẹ La phải bán hết quần
lành áo tốt để lấy thuốc. Còn tiền ăn uống, mẹ La đưa, nói thế nào vợ chồng
nhà người vỡ bãi cũng không nhận. Mẹ La đi phải chống gậy. Quần áo mẹ
mặc tuy sạch sẽ dù sao vẫn là những thứ rách rưới tồi tàn đáng nhẽ mẹ bỏ
lại ở đề lao, nhưng vì mẹ tiếc cái hơi hướng nên cố tha đi. Chết đi sống lại
mấy lần, người mẹ La chỉ còn da bọc xương, tóc rụng hết, răng lợi vêu vao,
nhiều lúc mẹ cũng không dám nhìn mình lâu trong gương. Nhất là cái mặt
cái mày. Mắt mẹ ngờ ngạc càng lác hơn; gương mặt mẹ càng vàng bủng;
lông mày gần trụi hết; da sùi sùi cóc cáy như da gà già, gà chọi.
Trước kia, khi mẹ La mưu tính cuộc trốn tù, mỗi lần mẹ nghĩ đến phải
giả làm kẻ ăn mày ăn xin ở dọc đường, mẹ thấy khổ tâm vô cùng. Nay dù
mẹ không muốn thế, nhưng trông cái mặt mũi thân hình cùng với cách ăn
mặc đi đứng của mẹ, mọi người vẫn cứ phải cho mẹ là một con mẹ ăn mày.
Vì vậy, hễ mẹ La chống gậy lết người đến hàng quán, gốc cây, chân cầu,
đầu hè nào, những người khỏe mạnh, lành lặn sạch sẽ đều đứng dậy, phủi
phủi quần áo đi ngay chỗ khác. Thậm chí, khi mẹ La đưa tiền mua bát bún,
bát bánh đúc riêu, cái bánh đa hay quả chuối, quả dưa, cũng bị người ta xua
đuổi. Mẹ phải nói khó mãi người ta mới đơm, mới bán cho.
Cả những phu điếm tuần phiên cũng sợ, cũng tránh, cũng xua đuổi mẹ
La. Những cút lít ở các nhà ga, bến tàu, cổng chợ gớm ghiếc mẹ hơn cả
những quan ôn thần dịch. Những ăn mày, những kẻ khổ sở, nheo nhếch,
rách rưới khác, còn nhiều kẻ bị chúng đánh hay lấy roi, lấy dùi cui mà đẩy
mà dúi mà đụng đến người. Với mẹ La, chúng chỉ chun mũi và quát: