Lại còn điều này nữa, là mẹ phải nhìn lại cái xóm cũ ấy. Mẹ phải nhìn lại
cái nhà của mẹ, cái ngõ nhà mẹ. Mẹ phải nhìn lại cái lối ra bờ đầm, cái cây
si còi bên miếu hoang ngoài bãi tha ma ấy. Trở lại nhà tù mẹ cũng sợ,
nhưng nếu không may mẹ bị bắt lại, mẹ cũng đành liều. Chứ trở lại cái nơi
gia đình mẹ đã tan hoang, những cảnh cũ người xưa đều đầy đủ y nguyên,
vậy mà mẹ lại không thể nào đi về sống giữa ban ngày ban mặt, không thể
đứng ngồi trò chuyện với ai..., chỉ mới nghĩ đến như thế, mẹ La cũng đã
đau xót, ghê sợ vô cùng rồi! Có thì phải sang một kiếp khác, mẹ mới lại về
cái xóm Cấm ấy!
Mẹ La cũng còn mấy nhà quen thân nữa và họ cũng rất một lòng
thương mẹ. Như nhà cậu giáo Thanh. Con bà bán bánh khúc, bánh ngô,
người đi đạo, hễ nghỉ hàng là cả ngày bà ta đọc kinh và đi nhà thờ. Cậu
Thanh đã dậy cả thằng La, thằng Nghĩa làm được tính đố và viết ám tả chữ
Tây. Đứa trẻ nào trong xóm, dù nghịch ngợm hay tối dạ đến đâu, theo học
cậu ta rồi cũng ngoan cũng khá. Thế mà có nhà vẫn cứ chịu chằng tiền học
của cậu ta hàng hai, ba tháng mà cậu ta có lấy đắt gì cho cam?! Lớp ba mới
có bảy hào, lớp vỡ lòng có bốn hào. Chỉ bằng nửa tiền các trường ngoài
phố. Ngay thằng La nhà mẹ, học cậu ta chịu hàng nửa năm, Tết đến, may
mẹ xoay xở được ở ngoài tàu Sáu Kho cân đường miếng, hộp lê và đôi giày
vải ba ta biếu cậu ta, không thì cậu ta đến dậy không thằng La mất. Cậu
giáo ấy, nếu mẹ đến nhờ cậy, thế nào cậu ta chả đi tìm ngay các con cho
mẹ. Thế nào cậu ta cũng lại cho mẹ tiền và tìm cách giấu giếm đùm bọc
mẹ!
Hay nhà chị em cô Dâng, cô Ngọt. Bố chị em cô này cũng tự tử mà
chết đấy! Người lành như cục đất, dát như cáy, vậy mà bị Tây cậu đến
khám nhà bắt lên Sở mật thám rồi chết trong xà lim vì tội... chứa đồ ăn cắp
của nhà binh. Cái cô chị Dâng rất chi là chậm là ít nói, còn cô em Ngọt vừa
sắc sảo, vừa tháo vát và cũng rất thảo lảo, nếu gặp mẹ La nhờ cậy, cả hai cô
cũng sẽ đi tìm ngay các con của mẹ, cho mẹ tiền và cũng giấu giếm đùm
bọc mẹ. Nhưng nhà chị em Dâng lại chính là gian nhà mẹ La đã ở chung