khói lại bán đắt thế này? Nhưng thôi, cứ được hút cái khói quen ấy đã. Mẹ
La nạp một mồi to vào cái điếu da lươn để trong thùng gỗ ở đất, châm đóm
vào cái đèn hoa kỳ đóng đinh bên cạnh điếu, kéo một hơi dài. Khói thuốc
vẫn còn phào phào trước mặt, mẹ La đã dúi dụi vào gốc xoan tây, dãi dớt
xều cả ra, mắt trợn ngược, hai tay ôm lấy bị gậy rồi mà vẫn cứ quờ quạng.
Bọn kéo xe và mấy bà hàng đón gà, trứng, gạo tám thơm và hoa quả bến
Thủy Nguyên sang ngồi ngay đấy, chẳng ai ngạc nhiên cả. Có kẻ lại cười
khanh khách, thích thú cái say sưa của nhà bà lão ốm ngã nước kia, người
có vẻ không đi xin thì cũng là hạng cùng quẫn mới ở mỏ than Vàng Danh
hay Mông Dương về.
Mẹ La tỉnh dậy thấy ngượng. Mẹ vội đội lại cái mê nón, xốc xốc cái bị
lên vai, lại tập tà tập tễnh đi. Mẹ đi lối cầu Muối ra Sáu Kho và để mọi
người khỏi phải xa tránh cho rằng mẹ là hạng ăn mày, mẹ La nhặt nhạnh
những mảnh giấy dầu, những thanh ván thùng và đai thép hòm sợi cắp
thêm vào bên bị. Chốc nữa đến kho gạo ngoài bến tàu, mẹ sẽ hót thêm mấy
nắm ngô đỗ vãi ra đường, ra cầu. Mẹ giả làm người đi quét gạo, quét ngô
rơi vãi và mót cái đun nấu giống như tất cả những người đàn bà già yếu
nghèo khổ ở Hải Phòng khi không còn cất nhắc được việc nặng, không còn
thể nhờ cậy ăn ở với ai là người thân thiết ruột thịt, đành phải lần hồi sống
vạ vật như thế ở cái hải cảng hàng hóa của cải như núi như non, đầy các
kho, các bãi kia.
Suốt dọc sông ra đến Sáu Kho lại càng đông càng nhộn nhịp. Cầu nào
cũng có tàu, có sà lan đỗ. Thuyền đinh, thuyền mành trong Thanh, trong
Nghệ, Quảng Bình, Quảng Ngãi và thuyền buồm Trà Cổ, Hải Nam phải
chen chúc nhau đỗ mãi tít xa mới có chỗ. Về chiều, đây cũng bụi cũng tối
như khu nhà điện nhà than của nhà máy Xi măng mẹ La đi qua ban nãy.
Hàng chục tàu to đương vội vã lên hàng xuống hàng. Các cần cẩu trên tàu
và ở dưới cầu đều chạy máy như nghiến, như rít, lao lao trên đầu người ta
từng tấn gạo, ngô, đậu nành, đậu xanh, chè, sơn, đay, trâu bò, lợn, tơ lụa,
thảm dệt, đồng, thiếc, vonfơram. Những thứ hàng gì tốt nhất, quý nhất vẫn