Đường vào bến tàu to lại càng sáng vì ánh đèn pha ô tô liên tiếp nhau chiếu
tỏa ra. Gần về tối gió thổi như bão, bụi khói càng mù mịt. Con sông Cửa
Cấm quãng xa thì xa hút xa thẳm, quãng gần thì sáng rực sáng chói. Ở xa
thì ầm ầm tiếng sóng tiếng gió; ở gần thì rùng rùng, đinh tai lọng óc tiếng
máy tiếng người. Cảnh vật vừa quen thuộc, vừa đông vui, cũng vừa mới mẻ
xa lạ, đổi thay khác quá, nhiều quá!
Mẹ La nức lên rồi nước mắt cứ giàn ra. Không! Sáu Kho và cái đất
Hải Phòng có đổi thay khác lạ đến thế nào cũng vẫn là nơi thân thiết, cậy
trông nhất của mẹ. Muốn sao thì sao rồi đây thằng La của mẹ và hai con em
nó lớn lên cũng sẽ phải cứ bám lấy cái bến Sáu Kho và cái đất Hải Phòng
này mà sinh sống. Còn mẹ, nếu mẹ có nhắm mắt chết, thì mẹ cũng phải
được nhìn được thấy các con mẹ khôn lớn, làm ăn tử tế, nên người...
Đi được một quãng nữa, mẹ La càng thấy run, càng thấy cuống. Mẹ đã
nhìn thấy cái chòi sắt ở trên kho Đồng Hồ rồi. Cái đồng hồ ba mặt lắp chót
vót trên nóc kho từ ba bốn mươi năm về trước vẫn chỉ còn ba cái vành sắt
trống hoác để chim chóc nhí nháu ra vào làm tổ. Thằng La đưa cơm cho mẹ
thường thường chờ ở đây, chơi ở đây với bọn trẻ con bấu sấu, được chúng
nó chia cho bánh tây, khoai rán, thịt bò, bánh bích quy. Có khi La còn được
cả giày vải, khăn bao bột, áo may ô, áo sơ mi của những người làm mạch lô
hay của lính thủy dưới tàu họ ném lên bờ thưởng cho khi họ đi uống rượu
trên phố say ngã tím cả mặt, được bọn chúng dìu đưa về tàu, hay bọn chúng
bắt được giấy tờ của họ đã tìm trả họ đầy đủ.
Ngày mẹ La còn để tóc cun cút, mẹ ra xem Sáu Kho vẫn cứ trông cái
đồng hồ ở chòi sắt chót vót kia làm chuẩn cho khỏi lạc. Rồi năm mười bốn
mười lăm tuổi bỏ làng theo mấy bà người quen ra đây đội than, mẹ La cũng
cứ đến rặng bàng trước kho Đồng Hồ mua cơm của mấy bà bán cơm gánh
ăn cùng với các bà, các chị em. Cũng ở đây mẹ La đã thấy ông cụ Ước như
tiên như bụt kia làm ăn với cụ Coóng. Hai ông cụ khét tiếng vác khỏe và cả
ăn khỏe. Mẹ còn nhớ rõ ông cụ Ước hay ăn khoai luộc, tôm trứng, cá bống.