Ông cụ Coóng thì ăn cháo đỗ đỏ hay cháo trắng, cá mặn. Một cụ "đánh"
đúng một phạng cháo và nửa cân cá rán cháy cạnh. Một cụ "cân" cả một rổ
khoai và nửa niêu tôm trứng hay cá bống kho chạt muối. Ăn thì như thế,
còn làm thì bao gạo chỉ xanh một trăm kilô, mỗi cụ quại hai bao cứ như
cõng trẻ con, chơi đùa chạy suốt từ trong kho ra ngoài cầu. Ở cửa kho Đồng
Hồ này, mẹ La thường ngồi ăn cơm gần chỗ cụ Ước, chỉ nghe cụ kể chuyện
mà quên cả đói...
Kho Đồng Hồ trước kia là kho gạo. Nhưng, giờ đây? "A! Vẫn là kho
gạo". Mẹ La reo thầm lên, càng cuống, càng run. Mẹ liền tự nhủ: "Thế thì
kho bên vẫn là kho thuốc bắc? Nhưng... không phải!". Không phải! Kho
mới! Kho mới!
Mẹ La nhìn vào trong cái kho nọ, thấy toàn những kiện hàng đóng
hòm gỗ, đánh đai, ghi dấu, ghi số rất cẩn thận. Gác kho không phải mấy
ông gác đứng tuổi quen thuộc mà là hàng chục gã còn ít tuổi, ăn mặc rất
chải chuốt, luôn miệng hò hét, chửi mắng người ta. Phu làm phần đông là
anh em Hoa kiều trong đó có nhiều người quen mà mẹ La nhận ngay ra
được. Họ cao lớn, vậm vạp, đầu trọc, mình trần, quần cộc, lòa xòa vuông
khăn bằng vải bao bột trên vai trên lưng, chuyển toàn những kiện hàng
nặng cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt,
- Hầy hô hấy hô... hầy ô hấy ô... hầy ô hấy ô...
Cái nhịp dô hò gân guốc kia bẵng đi hơn ba năm mẹ La không được
nghe, nay bỗng dồn dập hẳn lên bên tai mẹ. Mẹ còn đương ngoái lại, nhìn
náo nức, hồi hộp, thì giật mình vì những tiếng cười khanh khách và những
tiếng đấm tiếng chửi nô đùa chí chóe. Kho sợi và kho thuốc bắc đây rồi!
Gái đen làm ở hai kho này đây. Từng dãy bảy xe, tám xe, mười xe bàn
chồng chất những kiện sợi những bao thuốc cứ rầm rập nối đuôi nhau từ
ngoài cầu vào. Toàn đàn bà con gái làm.