dự bị thứ hai của thành ủy, thì Sấm nhìn theo Tô, cái gương mặt bầu bầu
cười cười của Sấm như muốn nói:
- Anh Ba gày đừng lo quá cho chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ chủ
quan lộ liễu đâu! Nếu như cơ sở của anh đương ở mà không tiện, anh cứ
đến nhà tôi hay một nhà quần chúng trong xóm tôi. Chính con gái bà khách
thứ hai này đã đọc truyền đơn nhặt được trong nhà máy rồi còn đem về nhà
giấu đọc cả cho mẹ nghe đấy!
Tô ra đến đầu đường lại quay lại nhìn cái xóm Đình Hạ của Sấm. Xóm
Đình Hạ của Sấm cũng như xóm Chiên Thương cũ của ông cụ Vy ở bên kia
đường số Năm dưới chân nhà máy Xi măng, hầu hết người trong xóm là
người đi làm cho nhà máy. Họ làm từ đời cha đến đời con. Lắm nhà có cả
đời ông. Từ lúc bến sông Cửa Cấm còn là mấy xóm vạn chài heo hút, và
sông Xi Măng còn là con ngòi bùn lầy, các cụ đã làm phu khơi sông, quật
đất chuyên đá, xây kè, đóng móng rồi xây nhà máy. Sau đó các cụ làm cu li
đội đất, đội đá ở lò đứng, làm cu li đóng thùng, khuân vác xi măng để nuôi
con, nuôi cháu thành các thợ máy ngày nay. Sấm quê ở Thái Bình, còn vợ
Sấm là người Đình Hạ. Ông bố vợ Sấm cũng là cu li lò nung. Còn ông bố
Sấm làm khuân vác ngoài bến Sáu Kho. Mến cái tính cái nết của Sấm và
của cả ông bố Sấm, cùng cảnh lầm than với nhau, ông bố vợ Sấm cho
không Sấm vợ, và cho cả hai gian nhà ở này nữa... Chiều đã ngả bóng râm
nhưng xóm Đình Hạ vẫn cứ nắng ngột nắng ngạt. Nhiều nhà dọn cơm ở bờ
đầu hè, bờ ao, gốc cây, bờ giậu ăn để đi tầm. Họ làm tầm đêm và làm khoán
từ sáu giờ chiều hôm nay đến sáu giờ sáng mai. Không những Tô chỉ để ý
đến bọn mật thám, chỉ điểm mà khi qua từng ngõ, từng xóm Tô còn đặc
biệt chú ý đến những bữa cơm, những câu chuyện, những tiếng nậng nịu dỗ
dành hay chửi mắng gắt gỏng con cái, và những nét mặt, cách ăn nói của
những anh chị em làm nhà máy.
Tô không đi ngõ chính ra đường cái - Tô đi quặt quẹo, vòng vèo xiên
qua mấy ngõ nhỏ rồi qua lối bến đá để đi đò sang phố chứ không qua cầu