Hai hiệu Giarôđôn và Pônxabô cũng vẫn đủ mẫu hàng vải lụa và đồ
trang sức cực đẹp để các khách sành mặc, sành dùng, xem ngắm, kén chọn,
sắm sửa; - vẫn là những khách Tây đầm sang trọng, họ chỉ đến những cửa
hiệu này và coi cái việc phải vào những hiệu xoàng xĩnh của người An
Nam, người "khách" mà sắm sửa là một điều ê chề, mất hết cả thể diện!
Nhà chớp bóng Côlibờri vẫn chiếu những buổi không cần phải tuyên
bố dành riêng cho các ông Tây bà đầm nhưng nếu có một vài người khách
xem là An Nam, thì những người này cũng phải lén lút, xúi xó, tan buổi
phải đi ra trước cho nhanh hay lùi lại về sau cùng.
Và ở nhà thờ lớn, những dãy ghế ngồi đã có chỗ quỳ lót đệm nhung kề
ngay bực chịu lễ, lại còn một khoảng lan can cách biệt hẳn ra, cũng vẫn là
những chỗ ngồi xem lễ của các bậc giàu sang quyền quý, các vị Tây đầm
của thành phố.
Một buổi sáng chủ nhật, qua quãng đường từ phố Cầu Đất, qua phố
Lacôm, đến phố Bônbe vừa yên ổn, vừa nhộn nhịp, vui vẻ nhất của Hải
Phòng kia, cũng có một cái sự đặc biệt đã làm nhiều nhà trên quãng đường
đó phải chú ý, chỉ trỏ bàn tán với nhau, và cũng sửng sốt như khi nghe tin
Pari tuyên bố mở toang cửa đón quân Đức vào vậy.
Cái sự đó là ông Thái làm thư ký đầu bàn giấy nhà Đờvanhxy con đến
sở.
Phải, đến sở Đờvanhxy, ông ký Thái ngày ngày vẫn đi qua mấy quãng
đường này.
Người hàng phố thường thấy tầm sáng, không hiểu từ nhà ông ra đi
lúc mấy giờ, chứ cứ lúc ông đến ngã tư Cầu Đất thì đúng sáu giờ ba mươi
phút. Rồi khỏi ngã tư Cầu Đất đến ngã ba ông rẽ vào nhà thờ lớn, thường
vào lúc đồng hồ nhà thờ nhích kim phút đến gạch ba mươi lăm. Cũng
thường đến đây, ông móc chiếc đồng hồ Ômêga vỏ vàng ở túi cạp quần ra