Nhưng rồi những nhà hàng phố ở quãng đường ông ký Thái hàng ngày
đi lại ấy cũng chẳng ai để ý đến cái sự ăn mặc đi đứng khác thường ngoại lệ
của ông nữa. Một sự khác thường còn đặc biệt hơn nhiều đã thu hút tất cả
tâm trí và chuyện trò của họ. Nhà thờ chính hôm nay rước lễ Săngti. Lễ
Săngti năm nay của nhà thờ chính Hải Phòng sẽ làm trọng thể hơn cả trên
Hà Nội.
Từ bốn hôm nay người ta trồng cột cờ hai bên bờ đường trước nhà thờ
và ở cả các quãng đường chung quanh. Cột cờ sơn lại mới tinh vằn tam tài
là của Sở lục lộ; cột cờ sơn màu nửa vàng nửa trắng cờ Hội thánh là của
Nhà chung. Mặc dầu bờ hè đường Lacôm và Bônbe đã lát gạch xi măng,
người ta cũng cứ đào lỗ để chôn cột. Và mặc dầu ở tất cả những đầu đường
nọ rất chật chội, Nhà chung vẫn cứ dựng các cổng chào. Mỗi một nhà thờ
xứ, một họ Thánh và cả những họ lẻ ở mấy xóm nhà quê heo hút đồng chua
nước mặn thuộc địa phận Hải Phòng, cũng bổ tiền cho từng đầu người để
làm cổng và thi nhau làm những kiểu rất lạ, cũng với đủ cả long, ly, quy,
phượng... Trai tráng và các người nghèo ở các xứ các họ này phải cơm nắm
muối vừng, gồng gánh khuân vác các thứ, theo trùm trưởng lên Hải Phòng
để làm cổng.
Ngay lúc còn tối đất, tầm nhất nhà Máy tơ, và nhà máy Xi măng chưa
nổi, các người nọ đã phải dậy chăng kết các thứ vải lụa màu và dây đèn ngũ
sắc ở các cổng các cột cờ. Tất cả những nhà đi đạo ở phố đều phải bày bàn
thờ ra cửa để bái vọng, trong số đó có cả ôten Y Lan chuyên bán cơm rượu
cho lính Tây. Bà chủ Y Lan là người ta nhưng còn béo hơn cả những bà
đầm béo nhất của Hải Phòng, vì thế người ta bảo bà không đẻ được. Nhưng
lúc nào trong nhà bà cũng ríu rít những tiếng "mẹ mẹ con con" với hơn hai
mươi vừa gái nhảy vừa me Tây của bà nuôi làm con nuôi để chuyên gả cho
từ lính Marốckeeng, Sênêgale đến lê dương Đức, pháo thủ Ý, lính thủy Hà
Lan mà tiền cheo cưới là tiền puốc xăng tùy theo món tiền đầu tiên của
người chồng đưa cho sắm sửa giường bàn chăn màn quần áo, thuê nhà và
trả nợ. Bà Y Lan còn là đạo gốc, ở mãi quê Đức cha Khâm sai đại thần