Trần Lục còn gọi là cụ Sáu, xiêu bạt ra Hải Phòng. Bà cũng làm con nuôi
một bà chủ cà phê ba rồi cũng lấy lính Tây, rồi mở ôten.
Bàn thờ của bà Y Lan rất đặc biệt. Suốt sáu gian nhà mở cửa thông
làm sáu phòng ăn uống và nhảy đầm vẫn y nguyên bàn ghế và lúc nào cũng
inh ỏi tiếng khách ăn uống hát xướng với tiếng đĩa máy hát xập xình.
Nhưng ở gian giữa thì lại đóng rạp, chồng chất đá thành như một quả núi,
có vòi nước tia chảy róc rách làm suối, bày tượng Đức bà. Cẩm như thánh
địa nơi xuất hiện Đức bà thành Lộ Đức thiêng liêng nhất bên nước Phú
Lãng Sa mà tất cả những ai là kẻ sùng đạo đều phải đến đấy cầu nguyện
trong những cuộc đi hành hương. Hay tất cả những ai bị tai nạn, bị những
bệnh tật, những khổ não nặng nề nhất thì cũng tìm đến đấy mà cầu xin, rồi
phải lấy cho được nước ở cái dòng suối dưới chân tượng làm dấu thánh rồi
đem về uống chữa bệnh.
Từ chiều hôm trước, sân đá nhà thờ đã la liệt những người đi đạo ở
các vùng quê quanh Hải Phòng đổ về. Họ nằm ngủ đất, cả ở bãi cỏ lối đi
vào nhà khách. Còn nhà khách của Nhà chung thì cứ nườm nượp hết đám
khách này đến đám khách khác. Toàn những nhà quyền quý giàu có ở Hải
Dương, Kiến An, Quảng Yên, Thái Bình, Móng Cái mang đồ lễ về thăm
các cha đỡ đầu. Nhiều kẻ phải nói năng với người bõ gác nhà khách, chầu
chực gần hết buổi rồi mới được vào hầu cha xứ dăm ba phút.
Cả những trai gái không đi đạo ở các tỉnh cũng rủ nhau về xem. Bởi
vậy đến ba giờ chiều mới rước lễ, các nhà hàng phố vẫn còn tối tăm mặt
mũi vì bày biện chưa xong bàn thờ bái vọng, thì tám chín giờ ở các ngả
đường đổ đến nhà thờ cũng đã đông nghịt. Phóng viên, người chụp ảnh của
các tòa báo trên Hà Nội và những người mở hiệu ảnh ở Hải Phòng, đều
lăng xăng cứ như đèn cù ở các đám có những cô gái được gọi là hoa khôi,
là ngôi sao, nhất lại là những hoa khôi, những ngôi sao xa lạ mới đến.
Đúng hai giờ ở các quãng đường phố Bônbe, phố Lacôm và ở trước
nhà thờ chính bỗng quang và lặng hẳn đi. Đội xếp Tây, đội xếp ta, quần áo