Ở trong xe cũng không phải là Huệ Chi. Người con gái đầu lòng mà
Thy San quý nhất, có cái gương mặt buồn buồn và lặng lẽ như của một pho
tượng Hy Lạp bằng cẩm thạch, thường đến nhà thờ những ngày lễ trọng,
những ngày thứ sáu tuần đầu tháng, và thường ôm trước ngực một bó hoa
bao giờ cũng toàn hoa trắng.
Hôm nay lại là cố bà Đức Sinh ngự trong chiếc Lanhcôn.
Cố bà Đức Sinh dạo này lại càng như trẻ ra. Tuy cố đã ngoài bảy mươi
tuổi, tóc là tóc bạc nhưng da lại không da mồi, mà là thứ da căng mỡ và từ
sắc mặt đến vẻ người của cố vẫn làm nhiều người cứ phải nghĩ đến cái việc
cố còn có thể lấy được một ông chồng trẻ và cố còn thừa sức chửa đẻ. Ngồi
bên cố Đức Sinh là Bích Nga. Cô em gái Huệ Chi nay không mặc áo màu
chói rực, quần xa tanh như mọi ngày. Bích Nga chỉ mặc hàng xát xi trắng,
choàng một cái áo bằng voan cũng màu trắng, đội trên đầu một vòng hoa
trắng, y như kiểu các đồng nhi mặc hôm chịu lễ lần đầu. Tuy vậy, tất cả vẻ
sắc sảo, chanh chua và cực kỳ kênh kiệu của Bích Nga vẫn không dịu đi
chút nào ở cái cặp mắt, cặp môi của một người con gái đến tuổi dậy thì và
là con gái một nhà giàu sang nhất thành phố.
Thấy xe cố bà Đức Sinh với Bích Nga kiều nữ thứ hai của Thy San đi
qua, tất cả bọn trai gái đường phố Hải Phòng, Hà Nội và mấy tỉnh gần cận
đổ về đều choàng cả người lên:
- Lanhcôn nhà Thy San!
- Lanhcôn nhà Thy San!
- Chỉ có con Bích Nga diện Lanhcôn đi thôi!
- Con Bích Nga nhà Thy San dứt khoát lại là cái đinh của buổi lễ chiều
nay.
- Cả con Huệ Chi chị, con chị nó nữa chứ?