dệt chiếu của Nhà chung, tháng tháng không những nuôi được miệng mình
lại còn có cả tiền đưa mẹ may mặc sắm sửa cho mình nữa. Con em ấy càng
ngày càng biết yêu, biết quý anh, làm Thanh nhiều khi thấy thương em có
phần hơn cả thương mẹ, nhưng Thanh cũng không tìm gặp nốt.
Thanh về Hải Phòng, ăn ngủ ở một hàng cơm đầu ghế gần ngã tư chợ
Cột Đèn, chuyên bán cho những người kéo xe và đi làm buổi đực buổi cái
trên phố. Dãy nhà này đủ cả hàng cao lâu, giải khát, tiệm hút, nhà săm và
các hiệu thuốc, thợ may, tạp hóa, toàn nhà hai tầng và mắc đèn điện. Duy
có nhà hàng cơm Thanh ăn ở là một tầng và thắp đèn dầu, vừa thấp vừa
hẹp, lại còn bắc sàn làm một cái gác xép để lấy chỗ chứa đồ và chứa cả
khách nữa.
Từ hôm Thanh trọ, bà hàng cứ phải nghĩ mãi về Thanh.
Người vừa trẻ, rạng rũa thông minh, mà sao lại có vẻ chán chường như
thế? Ít nói, tư lự nhưng không phải là không sắc sảo. Đặc biệt là cách ăn
uống đi lại. Gọi cơm bữa, trả cho bà hẳn ba hào một bữa, bà dọn đủ cả, nào
thịt kho, trứng tráng, cá rán, canh, dưa chua, vậy mà chỉ ăn có hai lưng cơm
với canh cà chua, khúc cá rán và ít dưa giá. Có bữa bảo bà quay lại cho đĩa
tôm trứng thì chỉ ăn có canh và tôm rang thôi. Cũng uống được rượu. Uống
hẳn một chai rượu Con hươu nửa "lít" rất ngon lành, chẳng đỏ mặt tí nào,
nhưng chẳng chịu nhắm thức ăn gì cả. Bữa chiều hôm qua, có dưa giá mới
muối, thì chỉ nhắm một ít dưa giá và lạc rang. Mấy buổi sáng trời còn tối
đất, nhà còn lủng củng những chõng ghế đồ đạc, và chưa nấu xong nồi
nước sôi để hãm vò chè tươi bán cho khách làm xe, thì đã dậy mở cửa lấy
ra đi. Có đêm mười một mười hai giờ mới về. Hễ về là lên ngay gác nằm.
Tuy thế có ai hỏi chuyện thì bất kỳ với người nào cũng bắt nhời một cách
đon đả, quý trọng một cách lạ. Với người u già ở cho bà hàng, thật chưa
thấy ai đối xử như thế. Đã mời u già này ăn bánh lại còn có lúc mua cả trầu
cau về cho nữa!