bắt đầu nhận ra được người chung quanh, giữa lán thợ sơn tràng ở thẳm
rừng giáp giới hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Hơn cả những ngày ốm
trụi hết tóc, da dẻ đóng vẩy cóc cáy, mẹ từ cái hàng cơm heo hút trên một
ngã ba đường đeo bị, chống gậy ra đi. Giờ mẹ La cuồng hẳn người với bao
nhiêu chuyện cũ người xưa phút lại sống dậy chung quanh mẹ. Đây kia con
đường đá tảng vào khu dinh cơ lâu đài của vợ chồng con cái nhà Thy San.
Ông cụ Ước bán trầu nước trông người như Đức ông, như phật Văn Thù
vẫn cứ như còn ngồi ở đấy. Chung quanh ông cụ lại đủ cả. Nào cậu giáo
Thanh hồi kỳ còn thất nghiệp. Nào cô Dâng cháu gái ông cụ, mỗi khi múc
nước hay đưa trầu cau cho khách của ông, cứ như sợ người ta quát to lên và
mình sẽ làm rơi làm đổ. Cả mẹ La và Thanh lại được ông cụ cho những củ
khoai đỗ ăn với tôm trứng rang mặn mà lúc đói chỉ "đánh" một củ thôi, rồi
uống bát nước chè là đã thấy tỉnh cả người. Và lại được nghe ông cụ kể
chuyện mà những thú rừng cá biển, cỏ nội hoa đồng cũng biết nghĩ, biết
nói, biết về phe với những người nghèo khổ chịu thương chịu khó, biết báo
ơn đền nghĩa cho người tốt bụng, tốt dạ.
- Cụ Ước ơi! Phải như thế cụ ạ! Tao đoạn này là tao đoạn đương đổi
thời đổi thế đây! Cụ Ước ơi! Cụ mà còn sống với chúng con trong lúc
này!... Cụ ơi!... Cậu giáo ơi!...
Chính khi mẹ La rưng rưng nước mắt nhìn Thanh ngồi dưới gốc cây
cơm nguội sum sê phấp phới nắng ấy, thì Thanh bỗng ngẩng mặt lên nhận
ra cái sự lạ lạ là có một người đàn bà, có một bà Tàu, đã nhìn mình từ lâu
và lại có vẻ nghĩ ngợi về mình nhiều lắm! Cũng chính khi Thanh sửng sốt
ấy, mẹ La lại làm ra vẻ như không chú ý gì đến Thanh và như không biết có
cả Thanh ở trước mặt mình nữa.
- Đúng cậu giáo Thanh đã nhận được ra ta rồi!
Nhưng nếu cậu ấy gọi ta thì ta có nhận cậu ấy không? Thôi, việc cô
Xim dặn phải giữ gìn thì cứ phải giữ gìn. Nhưng giữ gìn với ai, hay không