ngoài cũng như ở trong tù mà Thanh nhiều lúc ngờ ngợ sao những người
chiến đấu vào sinh ra tử, nhiều thành tích như thế, lại là những người
đương làm việc, sống cũng xuềnh xoàng như mọi người?!
Khi Thanh vừa ra khỏi cái gian nhà như kiểu chuồng chim, vừa là tòa
soạn, trị sự, phát hành, trụ sở, cơ quan công khai của một Đảng đương lãnh
đạo cách mạng, vừa là nơi ăn ở của ngót mười đảng viên và chiến sĩ cộng
sản, ngày đêm có các thứ mật thám chỉ điểm thay hình đổi dạng canh gác
theo dõi từ trước cửa đến suốt hai đầu đường và các ngã tư chung quanh -
nhà báo Tin tức vừa nghèo vừa xoàng xĩnh chẳng có vẻ gì là bí mật, là quan
trọng kia, - thì Thanh lại thấy tấm biển sơn đỏ, chữ trắng lấp loáng, dần
nâng cao, tiến đi nhanh hơn ở trước mặt Thanh, tới khi vút tới những đám
mây trắng mới biến khuất. Nhưng liền đó những hàng những lớp cờ đỏ,
băng khẩu hiệu, biển rất to dán những tranh, áp phích và những ảnh cũng
rất to, lại mở ra nhấp nhô trùng trùng với không phải năm bảy chục, một
trăm, một nghìn mà là hàng vạn, hơn hai vạn người xuống đường...
Thanh lại không đi đường phố Hàng Gai ra Hồ Gươm mà rẽ ra ngã tư
Cửa Nam để lại đến khu Đấu Xảo. Cái khu quảng trường đỏ đầu tiên của
Đông Dương và Hà Nội ấy càng im lặng dưới trời nắng chói. Suốt dọc
đường đây, những hàng cây sấu, cây cơm nguội, cây bàng cũng như cây
sữa, còn chót vót, rườm rà hơn. Một thứ bóng râm và một thứ mùi thơm chỉ
những quãng đường rộng, cây to của Hà Nội mới có, lại như choàng lấy
người Thanh. Thanh không còn những cái nấu nung rã rượi rối loạn của
mấy ngày trở về Hải Phòng. Nhưng Thanh cũng mất dần cái dễ chịu của sự
hồi sức sau hai ngày ngủ lì bì và mới đây tắm gội. Lại một mối buồn tê tái
và một nỗi cô độc hoang vu lần lần đến vây thắt lấy tâm trí Thanh.
Trời ơi! Mối buồn và nỗi cô độc ấy đã bao lâu nay lúc thì thoáng gợn,
lúc thì sâu sắc, lúc thì thăm thẳm mênh mông trong trái tim và trong sự suy
nghĩ của Thanh. Vừa lúc một làn gió chiều thoảng qua mặt Thanh. Bất giác
Thanh ngước đầu lên. Thanh nhìn cái cổng sắt sơn xám của Sở mật thám