Kiều lại gọi thêm nem rán, nem chua. Thanh vẫn chỉ uống bia, ăn lạc
rang. Kiều và Thanh lại nhắc đến bao nhiêu kỷ niệm, đặc biệt là những
ngày làm việc ở cái gác ọp ẹp, chật chội, nhà báo Thời thế. Những ngày đi
về nhà Thanh ăn uống ở xóm Cấm. Và chuyện những đồng chí của phong
trào cũ tù đày hy sinh như Chấn như cha Cam. Kiều hỏi đi hỏi lại lối xuống
xóm bãi Thanh trọ, ghi thành bản đồ vào sổ tay. Bắt tay từ giã Kiều, Thanh
còn lang thang ở đường bờ sông đến hơn tám giờ mới về nhà. Thanh chếnh
choáng vừa đi vừa huýt sáo và ngâm cả thơ...
*
Kiều cũng chếnh choáng nhưng không ngâm thơ cũng không huýt sáo.
Kiều nhất định không về nhà mà đến Nhà hát tây. Tối nay ban kịch Thiên
Nga lại diễn vở Tiếng nhạn kêu sương, và nữ sinh trường Đồng Khánh lại
trình diễn bốn màn vũ nhạc để lấy tiền gửi sang quỹ cứu tế mẫu quốc. Cũng
tối nay ở nhà Xeéc Măngdanh của nhà binh Pháp, võ sĩ Lê Quảng Huế
nhận nhời thách thức của võ sĩ Long Hải Phòng đấu quyền Anh cũng lấy
tiền giúp Mẫu quốc Đại Pháp đau thương, tang tóc. Vé xem ở Nhà hát tây
hạng bét cũng năm đồng. Còn hạng nhất, hạng nhì phải trả từ mười đồng
trở lên. Ngoài ra lại còn tiền của các nhà "hằng tâm hằng sản", tiền "lạc
quyên đặc biệt" đua nhau cúng thêm...
Mụ đầm già và ả con gái gày đét quần áo hết sức diêm dúa của mụ ta
đã nhìn Kiều một cách vô cùng rẻ rúng, xé hai cái vé đưa như sợ đụng phải
tay Kiều, mặc dầu Kiều lấy hẳn vé hạng nhì mất mười đồng và còn trả thêm
năm đồng cho các ngoại khoản. Người đến xem đã đông. Trông ai cũng
như vừa đi dự tiệc lớn xong. Phần lớn cứ dập dìu ngoài cửa. Từng đám
từng đám chuyện trò ở hành lang và phòng chờ. Với những đám người nọ
và cái nhà hát sắp sửa khai mạc buổi dạ hội, hình như trên mặt đất đương
có một thứ thiên đường mà ngoài các sự giàu sang, quyền quý, sung sướng,
nhàn hạ, phè phỡn thì không còn gì nữa! Còn những con người có mặt tại