trung nhất của màn ảnh hiện nay. Phải! Chính là dáng hình, kiểu người và
cách trang sức của Dậu. Nhưng khi Kiều đến gần hay khi Kiều không muốn
tự mình lừa dối thêm nữa, thì Kiều đành nhận rằng vẫn không phải là Dậu
của Kiều, mà là một đào son trẻ của một kép tài hoa đương biểu diễn cái
bước đi cặp kè khiêu khích, vênh vang, khinh khỉnh với chung quanh.
Mấy lần Kiều chạy cuồng ra mãi đầu đường để rồi lại trở về chỗ cũ.
Đồng hồ nhà hát đã trỏ tám giờ, tám rưỡi rồi chín giờ. Vẫn không thấy Dậu.
Mụ đầm già và ả con gái gày đét, quần áo diêm dúa của mụ đã đóng sập
cửa buồng bán vé khi hai người khách ta vội vội vàng vàng luýnh quýnh
vừa nhận vé xong, chưa kịp đếm lại tiền trả lại. Đó là hai người cuối cùng
đến nhà hát!
Sao lại thế này? Sao Dậu cứ đùa dai như thế? Dậu hẹn ta không những
đón Dậu đi xem mà còn đi nhảy rồi về ăn khuya ở Đông Hưng Viên cơ mà!
Cái con đồng cô bóng cậu, cái con ma con quái này không bao giờ quên cái
gì đâu! Chắc nó lại gặp một chỗ vui hay cay cú ở một bàn đánh chắn nào
nên lại bỏ rơi ta! Chỗ vui! Vui bạn hay vui với một cậu? Một cậu vào cái
loại các cậu "bốp xinê" đương trưng bảnh với các đào đến nhà hát kia!
Kiều lại nghẹn nghẹn trong người. Một cái lạnh lẽo và trống rỗng ghê
gớm sụp xuống tâm trí Kiều, sụp xuống cả cái vùng trời đất Kiều đương
sống.
- Có nên lần này là lần cuối cùng ta để Dậu đùa bỡn, nghĩa là ta phải
nhất quyết thôi không theo đuổi cái bóng con ma con quái này không?
Kiều tự hỏi, lại thấy buồn buồn tiếc tiếc vô cùng. Sao Dậu lại không
như Gái đen? Phải! Kiều chỉ cần Dậu mê say Kiều bằng một phần mười sự
mê say của Gái đen thôi. Và Kiều cũng chỉ mong Gái đen bớt thô kệch, tợn
tạo và chỉ được cũng một phần mười cái vẻ người, sự son trẻ và cái thông
thạo của Dậu thôi! Chao ôi! Và sao Dậu lại không ăn ở với Kiều như kiểu