tơ của Xim, đến Hải Phòng, đến Tô và Chấn. Không hiểu Xim thế nào, chứ
Thanh tới giờ thật là sống lại với Chấn từng bước chân, từng đôi mắt nhìn,
từng câu nói, từng cảnh, từng việc... Từ ngày Thanh bỏ Hải Phòng và từ
ngày Chấn về quản thúc ở Nam Định cũng là quê của Chấn, thì Thanh chỉ
được gặp lại Chấn có một lần và lại là lần Thanh đi lối đường Thành qua
tòa báo Tin tức lịch sử nọ. Thấy Chấn xách một gói sách báo và Chấn vẫn
mặc bộ quần áo tây len đã xám xỉn xin được của một người bạn khi Chấn ở
Côn Lôn về để "diện" khi tiếp khách hay đi đây đi đó, và thấy Chấn nheo
nheo mắt như để nhận để sắp gọi Thanh, Thanh đã xô lên một bước định
gọi Chấn, chạy đến với Chấn, nhưng rồi Thanh lại quay ngoắt đi như đã
tránh mặt nhiều người cũ hay người quen thân khác... Sau buổi đó, Thanh
hoàn toàn không còn tin tức cũng như không chút hay biết gì hoặc nghe ai
nói đến Chấn, mãi đến buổi gặp Kiều, tên Chấn mới lại được nhắc đến.
Chao ôi! Người chính trị phạm đã qua hết nhà tù này đến nhà tù khác,
hết xà lim này đến hầm giam khác, mắt đã mờ, phổi bị thủng, người đồng
chí cộng sản đã giác ngộ Thanh cùng bao nhiêu thanh niên bạn Thanh, và
biết đâu chẳng có cả chị Xim, nay còn ở Nam Định không? Nếu như Chấn
còn ở đây thì lại phải rút vào bí mật.
Hay Chấn đã trốn đi công tác ở một thành phố khác? Chấn lại về Hải
Phòng?
Hay Chấn lại bị bắt rồi?...
Biết đâu chính cái lúc thằng Thanh thanh niên của Chấn đương ngồi ở
ghế vườn hoa, ngẩng mặt lên trời sao và trong gió hương của một góc vườn
hoa âm tối mà nao nao tưởng nhớ các cảnh cũ chuyện xưa, thì Chấn đương
ở xà lim Sở mật thám hay xà lim đề lao ngay kia, nơi trước đây không đầy
mười năm Chấn đã bị cùm, bị xích, bị giam, và trước đây Thanh đã được
nghe Chấn và các bạn đồng chí của Chấn kể, cứ mỗi lần Thanh tưởng nghĩ
đến là thêm một lần Thanh choáng váng, rùng rợn! Phải, trong những địa
ngục ấy, những con người như Chấn mà Thanh được gần gụi, hay như Tô