của cha đích thân đưa lên miệng lên mũi cố bà mà làm phép ban ơn phước,
tiếp đó lần lượt đến Hùng, Huệ Chi và Bích Nga, thì vợ chồng nhà Tú cùng
mọi người đứng từ xa đều nức nở cả người. Những tiếng xuýt xoa cứ như
nấc như rên...
- Kính trình cha đường có xóc không ạ ạ ạ? Kính trình cha gió to như
thế chắc người mệt ạ ạ ạ?... Kính trình cha, chúng con trộm phép thấy
người hơi gầy đi ạ ạ ạ! Chúng con hằng cầu xin Chúa...
Chỉ cố bà Đức Sinh và ba con Thy San được đi theo sau cố Nhân. Cố
Nhân vừa ngồi xuống cái ghế bành giữa nhà, đã thấy ngun ngút hơi nước
nóng và mùi nước hoa ở chiếc khăn bông gấp đầy một đĩa bạc to và sâu đặt
trên đôn sứ cạnh chỗ ngồi. Tuy là phòng khách ở nhà quê, nhưng một phần
lộng lẫy tiện nghi tối tân của biệt thự Bờ biển xanh và của nền nếp giàu
sang ở nhà Đức Sinh trên thành phố vẫn nổi rõ tại đây. Thêm vào lại còn vẻ
trang nghiêm sùng kính của một gia đình đạo đức và quyền thế. Bức tranh
sơn dầu mua lại bên Y Pha Nho nghe đồn bằng giá tiền một tòa nhà, treo
che gần hết bức tường chính giữa sau ghế cố Nhân ngồi. Đó là cảnh chúa
Giêsu ăn tiệc giữa một đồng quê năm được mùa với các tông đồ của Chúa
và các con chiên dân làng. Vì thế nên nhiều lúc mọi người trông cố Nhân
cứ tưởng như chính là Chúa vậy.
Vợ Tú ở phòng bên đã chuyên chè bưng sang. Chè ướp thủy tiên đựng
trong chén có vung đồ sứ Giang Tây, khay bằng bạc chạm trổ, đĩa thì mạ
vàng. Lại những kính trình cha, xin phép lạy cha, Giêsu! Lạy Chúa! và ơn
bề trên v.v... Và những hỏi han, những nụ cười, những ánh mắt trìu mến.
Mươi phút sau vợ Tú lại vén màn cửa khép nép bước vào, và chỉ dám ghé
vào tai mẹ chồng mà nói. Cố bà Đức Sinh khẽ gật đầu đoạn xin phép mời
cha dùng đồ nước. Lần này một người khác được vào: cụ chánh trương
hàng xứ.
Một khay bạc có thể nằm gọn một trẻ lên ba khệ nệ dâng lên, mà cả cố
bà Đức Sinh, cụ chánh trương hàng xứ, vợ Tú đều xúm vào đỡ như kiểu