chạc, những gồ, những mấu, và lớp vỏ cây sần nứt đều rực lên như rắc một
thứ phấn vàng quỳ. Chỉ mình bà cụ Xim ngồi dưới gốc, mái tóc lơ phơ gần
bạc hết, mắt nhìn đăm đăm, thân hình càng thu gọn. Bà cụ như người trong
bức tranh sơn dầu, nổi thành một màu sắc đặc biệt giữa khoảng trời mây,
đồng ruộng, làng xóm, tre cau vắng lặng trong nắng trưa và gió Nam từ
biển xa lộng vào.
Ngoài cánh đồng phía bờ đầm chỉ còn mấy bóng người lom khom.
Đấy có cả mẹ Nghĩa rằng, đầu đội cái mê nón, vẫn đeo chiếc yếm rách che
ngực, và mặc cái quần rách cắt khâu đến đầu gối. Bà cụ Xim nghe tiếng
gió, cây cối và cả tiếng võng đưa, tiếng ru con không biết của ai. Những
tiếng ru nghe rất quen thuộc, rất nao nuốt, chừng như người ru là một ai kia
cũng đang nghĩ đến rồi đây cuộc đời áp bức bóc lột sẽ bị phá bỏ, mọi người
sẽ làm ăn ấm no hạnh phúc, nhưng mà giờ đây thì phải chịu thương chịu
khó vô cùng, không quản ngại bất kỳ sự hy sinh nào để giữ trọn tinh thần
và ý nguyện của mình.
Đúng là bà cụ Xim đang nhìn Xim ở ngay trước mặt mình. Đúng là
Xim ngồi với mẹ Nghĩa rằng, với mẹ La, trên những ghế gỗ bé xíu, chung
quanh cái giành nước đan bằng mây đã bóng như sừng. Và ông cụ Ước sức
vóc như một con gấu, lưng gồ gồ, vai u u, bắp chân bắp tay thịt như đắp,
như xoắn, - một con gấu tóc bạc, lông mày, lông mi bạc, mắt sáng quăm
quắm.
Cụ Ước chết thế mà đã hơn sáu năm, để lại cho bà cụ Xim những đồ lề
của ông cụ kiếm sống mà mẹ Nghĩa không hiểu nghĩ ngợi tính toán thế nào,
đã dọn nhà đi hết xóm này đến xóm khác, vẫn cứ gồng gánh na theo và treo
ngay ở chỗ mẹ nằm, mặc dầu mẹ chuyên nghề đội than và chẳng bao giờ lại
muốn rằng mình sẽ lại nhặt nhạnh từng trinh, từng xèng với từng bát nước.
- "Hàng nước của bà cụ là hàng nước nhân nước hậu, nước thủy nước
chung... Người uống nước phải nhớ phải tìm!" Cái con mẹ ấy nói cứ như
văn sách ấy! - Như có một nụ cười toàn bằng ánh hồng của hoa đào nở ra