số phận con người và làm dân bây giờ. Sau đấy, các chuyện tuy dần dần
nhạt đi, người xem bỏ về nhiều, đường xá vắng hẳn vì chẳng có chỗ nào
râm mát để tụ tập, nhưng La vẫn xót xa, cồn cào, lắm lúc như không có thể
nào giữ được bình tĩnh nữa.
- Hay ta cứ đi hẳn vào cổng kia, nói với lính gác nhận mình là thằng
Vy em xin được vào với bác Vy, cho bác gặp ta, rồi muốn ra sao thì ra... Vy
em ơi! Mày chơi bời ăn ở với tao lúc này mới là lúc cần đến nhau đây, mà
tình nghĩa của chúng mình khác với những đứa khác cũng chỉ có lúc này
đây!...
La lảng ra xa, ngồi bệt xuống một đám cỏ, gục mặt lên đầu gối:
- Thế thì chết mất! Thế thì có thể chết cả hai mất! Và chết như thế thì
uổng quá!... Không! Sao lại chịu chết như thế? Không! Ta phải cứu cho
bằng được bác Vy. Ta phải giải cứu trong đêm nay! Ta sẽ vào hẳn trong trại
kia, ta sẽ vào hẳn trong trại của chúng nó mà giải cứu bác Vy.
... Thằng La xách hòm ra phố chợ. La ăn cơm qua quít đoạn đi mua
một cái kìm và một cái giũa cũ. Còn quần áo người lớn, La mua hẳn một bộ
còn mới. Đêm nay, nếu như bố Vy vẫn bị trói ở cọc trước chuồng ngựa, La
sẽ giải cứu bác khỏi cọc trói; nếu bác Vy bị đưa vào nhốt ở hầm ở buồng,
La sẽ giải cứu bác khỏi hầm khỏi buồng; hoặc bố Vy còn bị khóa bị cùm
ngay giữa bóp gác thì La cũng giải cứu bác ra khỏi bóp gác.
Khó khăn nguy hiểm như lấy hàng ở Sáu Kho, ở trại lính Tây, bao
phen ngày còn bé nghịch ngợm, La còn không sợ, còn "chu" hết, huống chi
bây giờ vì tình nghĩa bạn bè sống chết, vui buồn hoạn nạn có nhau.
...
- Bác có mệt không?
- Không! Bác khỏe hẳn rồi!