quấy. Còn con chó lai chực theo Khòa, liền bị bõ Quý thét kéo trở lại, quật
cho hàng chục roi da.
Ngày còn bé, Huệ Chi cũng đã phải để ý đến cách ăn uống này của
Khòa. Buổi mẹ Huệ Chi ốm nặng, chuyển sang uống toàn thuốc bắc, giữa
trưa cả nhà vắng vẻ, mẹ Huệ Chi gọi Khòa vào sẻ liễn cháo thịt vào một bát
sứ Giang Tây đưa cho, Khòa chỉ cười và lắc đầu. Sau mẹ Huệ Chi đành
phải để Khòa cầm cái bát sắt to cờn miệng đổ lấy cháo và lại đem xuống ăn
ở sau kho thóc và chuồng gà.
Tháng sau, mẹ Huệ Chi chết. Sắp chuyển cữu ra xe đòn rồi Khòa mới
biết. Khòa cuống lên, díu díu hỏi sao mẹ Huệ Chi lại chết? Rồi Khòa đòi
cũng đội khăn trắng. Khòa khóc. Khòa khóc cứ hô hố: "Chị Sinh ơi! Chị
Sinh chết rồi à, chị Sinh ơi!".
Khòa là người họ đằng mẹ Huệ Chi, bằng vai với bà ngoại Huệ Chi,
nên Huệ Chi gọi bằng cậu. Mẹ Huệ Chi còn kể chuyện Khòa chỉ hơn mẹ
Huệ Chi bốn, năm tuổi, nhưng ngày trước Khòa vẫn cõng mẹ Huệ Chi đi
nhà thờ những hôm mưa gió lầy lội. Một năm bão lụt, Khòa đã vác mẹ Huệ
Chi chạy khi nước vỡ, rồi chèo tấm phản gỗ chở bà ngoại Huệ Chi và hòm
quần áo tiền nong lên sân nhà thờ. Ngày mẹ Huệ Chi có mang Huệ Chi,
không đong phát ngô đỗ và xuất gà ngỗng xuống tàu được, bà phải cho
người về Nam Định đón Khòa ra đỡ chân đỡ tay cho mình, không để Khòa
đi vác gạo, vác mía, vác nứa, kéo gỗ kéo thuyền lang thang các nơi nữa.
Huệ Chi bao nhiêu tuổi thì là bấy nhiêu năm Khòa hầu hạ ở nhà Đức Sinh.
Khòa ở hẳn nhà Huệ Chi từ năm đó.
- Cậu Khòa phải ăn đi. Cháu nói thế chứ đời nào cháu giận cậu Khòa
nhỉ? Cậu Khòa ăn cho cháu Chi bằng lòng chứ!
Huệ Chi lại nhớ cái trán hơi thót, gồ má xương xương và cái cằm hơi
lẹm của mẹ. Người ta bảo không ai mài cái đẹp ra mà ăn. Xấu xí, ngố nghế