- La ơi La, mày đi chết đâu mà lâu thế? La ơi La! Mày về Hải Phòng
từ bao giờ? La ơi La! Mày chúa thần là đểu, mày giấu cả tao, chả cho tao
biết tin tức gì cả! La ơi La! Đêm nay thì ông sẽ trói mày, đóng bè chuối
buông mày trôi sông Cấm cho bõ cái tội của mày!
La rú lên vì Nghĩa ngoạm vào cánh tay mình tưởng đến đứt hẳn miếng
thịt. Rồi Nghĩa ngồi thụp xuống bờ cỏ, khóc cứ tu tu:
- La ơi, mày đểu quá! Với tao mà mày cũng giấu! Mày chả cho tao
biết tin tức gì, chả gởi cho tao lấy một chữ! Tao với mày thế nào mà mày
nỡ đối xử như thế hả thằng chó kia?!!!
Không hiểu sao La lại không khóc được, cũng như ban nãy khi thoạt
tiên vào thấy bàn thờ le lói ngọn đèn dầu và ngan ngát mùi hương đen, La
nghẹn ngào lên tiếng gọi bà cụ Xim đang nằm rên, sau đó thì cái Lê cắp rổ
khoai ngoài sân bước vào, mặt mày tái mét, ngẩn ra giây phút nhìn anh rồi
cứ mếu xuệch mếu xoạc, hưng hức hưng hức, nói những tiếng lí nhí không
hiểu nói gì.
Trời không trăng, đầy sao và tắt gió. Chỗ hai thằng ngồi lại có bóng
cây nhưng vẫn đủ để ngắm nhìn nhau và nhận kỹ nhau thêm. Thằng La thì
thấy thằng Nghĩa vẫn còm cõi, da dẻ càng đen nhẻm, đầu tóc càng đỏ xoăn
đỏ cháy, mũi như nhọn thêm, miệng cũng như dẩu thêm. Chưa kịp tắm rửa
và thay quần áo, Nghĩa mặc chiếc quần cộc vốn là quần lính Nhật thải, đắp
vá lại dày như mo nang, mình trần, xương sống xương sườn vêu vao, ngồi
ôm lấy La, đầu Nghĩa chỉ chấm vai La. Thằng Nghĩa thì thấy La không
khéo sắp thành trai gộc đến nơi rồi, không phải vì La quần áo lành lặn, đội
mũ trắng hẳn hoi, mà vì người La vừa lớn phổng, vừa có dáng vững vàng
của kẻ tháo vát, từng trải.
- Sao mày lại khóc? Tao về mày chả mừng thì chớ lại khóc, lại chửi
tao! Ừ thì tao có lỗi, vậy tao xin lỗi mày! Nhưng mày nên hiểu lòng tao.
Rồi tao sẽ nói nhiều chuyện cho mày nghe.