thằng Chột cố sức nhận xét, theo dõi vẻ mặt và đôi mắt của Cam, thì Cam
đã nhìn hết các người thân thuộc và cũng được các người thân thuộc nhìn
lại mình bằng tất cả tình cảm và ý tứ.
Mặc dầu Cam đã chủ tâm không cho chúng nó thấy Cam nhìn ai lâu
hay chú ý nhiều đến một chỗ nào, một vật gì ở hầm lò cũng như trên tầng
máy, nhưng rồi Cam không thể sao ngăn được, cứ phải nhìn lại cái bệ Cam
vẫn ngồi tụ tập chuyện trò với các bác thợ quen với cha Cam. Đây cũng là
chỗ cha Cam ngồi ngày trước, gần chân tường đấy dựa cái điếu cày làm
bằng một ống sắt chuyên đựng truyền đơn và tài liệu mà Cam gọi là cây
thiết bổng. Tiếp đó là bệ máy của lò số 3 và số 4 mà Cam phải chăm nom
dầu mỡ. Rồi đến tầng máy ngoài kia, xích vệ Xi măng đã kéo cờ đỏ búa
liềm năm 1929 -1930, và Cam cũng nhằm treo cờ tới đây, hay nếu có nổ
súng cách mạng thì Cam sẽ xin ở vị trí đó mà canh gác, chiến đấu.
Có một đôi mắt nhìn Cam tuy chẳng có vẻ chú ý lắm, nhưng lại đặc
biệt làm Cam cảm động. Đôi mắt nâu, quầng thâm, dưới cái trán dô của
thím Coóng mà Cam thấy khổ mặt xương xương dạo này má càng gồ càng
sạm. Hôm nay là đúng mười hôm, vẫn không thêm ai bị bắt. Trong số
những người mà Cam lo lắng nhất là Vy nhớn, thì tới đêm qua Cam vẫn
không thấy mật thám đả động đến. Như thế là mối liên lạc giữa Cam và Vy
nhớn vẫn hoàn toàn giữ được bí mật cũng như tất cả sự hoạt động của hai
người được phân công. Phải! Tới giờ đây, nếu như Cam không khai thì Vy
nhớn sẽ không bị lộ; hay là... một người nữa cũng giữ được bí mật cho Vy
nhớn ở nhà máy: thím Coóng.
Thím Coóng không những chỉ ở cùng xóm, nhà giáp vách với nhà Vy
nhớn, thường đi tầm về tầm, chuyện trò với Vy nhớn, đưa hộ cơm, nấu hộ
cháo cho Vy nhớn ăn, mà còn nhận cả tài liệu chuyển cho Vy nhớn tuy bà
không biết chữ nhưng lại biết rõ đây là những cái gì bí mật của cách mạng,
nguy hiểm vô cùng. Sau chuyến cụ Coóng bị bắt bị giam ở đề lao với người
cháu họ, không hiểu người cháu họ có còn đi về nhà cụ Coóng và tuyên