- Cha ơi! Cha mà như thế thì chúng bảo gì cha chẳng nhận, chẳng
ký?!!
Tuy Sơn chỉ nhìn thoáng ông ký Thái, còn bao nhiêu tinh thần của Sơn
đều dồn cả vào để nhận xét bọn mật thám và tính toán các cách đối phó,
nhưng Sơn vẫn thú nhận được đầy đủ những nét mặt, vẻ người của cha
Sơn. Khi còn ở nhà, Sơn chỉ gần cha trong hai bữa ăn với một chỗ ngồi cố
định bên tay trái cha và bên tay phải mẹ. Rồi thỉnh thoảng, những đêm mùa
đông rét buốt hay những trưa hè oi nồng, mấy anh chị em Sơn thường quây
quần chuyện trò với cha mẹ. Nhưng Sơn rất ít để ý đến cha, nhất là nhìn kỹ
một đôi nét đặc biệt của gương mặt hay vẻ người cha. Tuy vậy, bao giờ ông
ký Thái cũng như bà ký Thái đều thấy trong những câu nói rất ngắn và khẽ
của Sơn, hay trong những cử chỉ rất nhẹ nhàng của Sơn, đều có một tình
thương yêu mình mà quái lạ, sao các con khác lại không được như thế,
không có như thế!
Nay cũng vẫn cái đầu tóc húi ngắn hoa râm, cũng vẫn cái trán ngắn
nhăn nhăn, cũng vẫn cặp mắt hé hé nheo nheo cũng vẫn cái miệng đã móm,
cũng vẫn cái yết hầu gồ xương và lằn gân, cũng vẫn cái hình người hơi
khom khom lật đật... cũng vẫn tất cả những cái rất quen thuộc của cha Sơn
ấy, Sơn bỗng thấy như khác hẳn. Khác hẳn trong sự thấm thía của tâm trí
Sơn, khác hẳn trong sự gợi nhớ của trí tưởng Sơn, khác hẳn trong ý thức
trách nhiệm của Sơn.
Năm 1939, Sơn học xong năm thứ nhất trường Thành chung, Sơn
được lên Hà Nội chơi có vào thăm trụ sở của Đoàn thanh niên dân chủ và
nhà báo Thế giới, tuần báo Sơn được phân công nhận của đại lý Hải Phòng
đem bán cho một số bạn thân bạn tốt và một số gia đình tin cậy khác. Sơn
đã gặp và rất có cảm tình ngay với một anh có vẻ đang hoạt động tích cực
của phong trào mà Sơn được biết là sinh viên trường Luật. Người anh cao
lớn gần như quá khổ. Ai đứng bên anh cũng thấp, kể cả một anh trong ban
lãnh đạo công khai của Đoàn, nổi tiếng là lực lưỡng và khỏe, thường