trên Yên Thế, và cuộc chống đánh đập, đòi tăng gạo phát, tăng tiền lương
của phu phen làm trường bay cho Nhật ở Cầu Lồ, thì La kể cứ vanh vách
ngày tháng với các chi tiết, y như La được trông thấy, được tham gia vậy...
Trưa hôm sau Chấn và La ra đi. Chấn phải viện đủ các tình các nhẽ
mới không bị giữ lại để nhà chủ chăm nom ăn uống thuốc men thêm. Chấn
nói rằng mấy nhà có con đón Chấn về bảo học đã chọn được ngày, vừa
phần hôm đó lại là giỗ tổ mà ông trưởng họ Chấn đã trách móc Chấn nhiều
lần vì tội cứ đi xa, bỏ cả lễ nghĩa với tổ tiên. Vừa phần, Chấn cũng đã thật
khỏe, bà con không nên lo ngại quá cho Chấn.
Chấn và La đi bộ, toàn những đường bà con đi chợ tắt qua mé dưới
tỉnh lỵ Bắc Giang và sông Thương.
La mặc thêm một áo tây đã rung rúc, đội mũ cát lợp vải ka ki nên
trông người lớn hẳn, càng có vẻ một phó cạo trẻ, nghề nghiệp làm ăn giao
thiệp đúng mực. Chậm chậm sau La, Chấn đội khăn xếp, bịt khăn nhiễu
trắng, mặc áo the thâm, đi giày vải đen. Chấn đeo kính râm, lại còn đội nón
dứa để không còn ai thấy cái đầu hói và đôi mắt lông quặm đã thành đặc
điểm của Chấn. Hai người sang khỏi sông thì đi men theo chân một dãy
núi, qua những thôn, những ấp, những làng vắng lặng, có quãng cách nhau
hai ba quả đồi bãi sim bãi mua rậm rịt, dân chúng đây đang được chắp mối
và xây dựng thêm cơ sở.
- Kia là làng Mỹ Điền, làng ông Cả Huỳnh con nuôi cụ Đề Thám đấy
chú ạ... Người ta bảo ông Cả người lệch vai mà bắn rất giỏi. Lính Tây gờm
nhất cây súng của ông Cả Huỳnh, còn lính ta thì bảo đạn của ông Cả Huỳnh
có mắt.
- Còn làng bên kia đường tàu nghịch lắm, rất chi là bướng, đã làm bay
cả chánh tổng cả quan huyện. Nhiều tay võ giỏi kéo dân lên tận phủ Yên
Thế cướp trâu của các chủ ấp. Cháu cắt tóc cho mấy ông cụ ngoài bảy mươi
tuổi rồi mà vẫn đi cày, mỗi ngày năm sào chiêm trũng. Trời rét chết cá chết