Đúng lúc ngoài đường lại có mấy dây người, đầu trùm chiếu manh
buộc túm lại như mũ mấn, tay vịn vợ, bíu con, đi lững thững, xiêu xọ. Từng
đám nhặng vù vù bám theo đũng quần họ và bu lấy những quang gánh có
trẻ con, che đậy bằng cả mẹt, vỉ buồm, bao tải. Mấy người đàn bà xanh
bủng bế con và mấy người con gái gánh những gánh rất nặng toàn những
thứ cũ rách, sứt mẻ. Các cô còm rúm, nhưng vẫn cố vấn khăn thật gọn và
chải ngôi thật thẳng, vẻ mặt đăm đăm, lại càng làm Dâng se thắt cả tâm trí.
Dâng vừa sang Hải Phòng. Lần đầu tiên và mấy lần sau nhìn những
xác chết ở cổng chợ, ở ngã tư đường, ở ngay đầu phố Khách, phố Cầu Đất,
ở cả khu Nhà đái và cửa cống sông Lấp, Dâng thấy xác nào cũng hao giống
các người làng, người xóm mình, giống như cả cha Dâng, các chú Dâng,
các em Dâng nữa. Phần đông là đàn ông, người lớn và trẻ con trai. Chết rất
nhiều vậy nhưng vẫn thấy và thấy các người ở nhà quê ra tỉnh, nằm vật vạ
suốt dọc đường lên Hà Nội và các nhà ga phố chợ. Trông bà con lểu thểu đi
cả lúc đã xế chiều, tối mịt, Dâng càng muốn kêu lên:
- Bà con ơi, đừng bỏ làng đi nữa, đừng ra tỉnh nữa. Cố ở lại mà chờ có
lúa, gặt hái để sống thôi! Bảo nhau ở lại làng rồi vào các tổ chức của cách
mạng, đi theo các đồng chí cán bộ Việt Minh mà đấu tranh.
Con mèo nhỏ lại meo meo, nhưng lần này tiếng kêu nghe khác hẳn. Bà
cụ Xim chớp chớp mắt như ngẫm nghĩ. Một lát sau, bà cụ với lấy cái gói
giấy cất trong thúng ở đầu giường. Bà cụ mở ra rồi nhặt nhặt đúng hơn hai
mươi hột cơm, vón vón vào một mảnh đĩa cho con mèo.
- Mướp! Mướp! Thôi bà cho mày ăn đây.
Con mèo như không ngờ lại được cơm ăn, còn nghển lên nhìn như để
hỏi có thật là thế không, có đúng nó được phép ăn như thế không. Rồi nó
cúi cúi như để thơm để hít rất kỹ cái mùi vị tuyệt trần này trước khi nhón
nhén liếm ăn từng hột một.