phải nhìn cái khổ mặt của người em trai Sấm sao mà giống ông chú như
tạc. Cũng gầy sắt, cũng mũi gồ, cũng miệng hơi vẩu và cũng xanh xao hốc
hác quá thể...
Bà Cam ra đường cái, đi qua bãi than,... qua cổng nhà máy,... qua cầu,
qua con sông nước đã rút, ứ đọng bùn rác,... qua cái vườn hoa đầy những
ăn mày, những hàng đồng nát bao chè, và những người đi móc cống móc
rãnh, bới xỉ bới rác.
Quãng đường này ngày xưa, Quất vẫn đi về. Rồi đến Cam. Khi mới
lấy nhau, bà Quất thường xách cơm nhà đưa đến chờ ông Quất ra cổng lấy;
gặp kỳ tiền ông Quất cứ ép bà ăn bát phở, bát chè đỗ đen hay uống cốc
thạch cốc nước chanh đá, nhưng chẳng bao giờ bà chịu ăn uống cả! Rồi
hôm được tin Tây cậu đưa Cam về nhà máy và bắt thêm người, bà đã tức
tốc sang hỏi thăm các người làm xem Cam có khai báo ai không, và Cam
có sút lắm không. Thoạt tiên bà đã sạm cả mày mặt và đau đớn như bị rút
gan rút ruột nghe nói bọn mật thám bắt đi thím Coóng. Nhưng sau mọi
người đều cùng nói với bà rằng thằng Cam nhà bà đã bị đánh ngay ở dưới
hầm lò nung, vêu vao, sưng tím, sưng bầm thêm cả mặt mũi, nhưng Cam
một mực lắc đầu không chịu nhận ai, thì bà Cam mới như trút được gánh
nặng.
***
Ông cụ Cam bỏ cơm và nằm liệt giường không phải vì đau bệnh hay
ốm yếu gì cả... Nhà cụ hàng tháng nay hôm thì đứt bữa, hôm thì ăn cháo
ngô, cháo cám chia nhau từng bát, vậy mà khi vay giật được tiền được gạo,
bà Cam lại thổi hẳn một niêu cơm để bố chồng và thằng Côn ăn, hỏi rằng
ông cụ không nghĩ ngợi sao được. Ấy là trong nhà lại còn một đứa cháu lên
bốn: thằng con Gái đen chửa "hoang" với Kiều.
Điều làm ông cụ càng về khuya càng trằn trọc là Cam và nhiều anh em
khác đã vượt ngục về được đến nhà. Chỉ thoạt nghe tiếng đập cửa liếp và