cũng là để ông cụ ăn cho ngon miệng. Gần về chiều, đường quê vắng tanh,
chỉ toàn gặp người đói và chết đói, ở chặng nào hàng quán cũng xào xạc,
họ rất ngại các bọn gồng gánh như kiểu gia đình bà Cam, nên bà Cam càng
cố đi miết. Bà Cam đi miết còn để khỏi nghĩ ngợi. Bà không dám ngoái cổ
trông lại phía sau và cũng không dám giữ lâu những hình ảnh của gian nhà,
của cái xóm Cấm với những bà con, những kỷ niệm cứ hiện luôn luôn ra ở
trước mặt bà.
Tuy ông cụ Cam không hề hé răng một nhời về quê hương bản quán,
nhưng qua những ý tình hơn hai mươi năm bà về làm dâu con, bà Cam
cũng dần dần đoán ra được phần nào nỗi u uất đau tủi của người bố chồng.
Thỉnh thoảng trong những câu chuyện bất thường với một khách đi đường,
với một người xa lạ nào đó vào chơi nhà, hay với những kẻ quen thuộc
hàng xóm đi các nơi về... ông cụ đã không thể giấu được bà Cam hơn nữa
về tung tích và quê hương của mình, tuy rằng những công việc những
người thân thích, những đường lối đất cát xứ quê, làng mạc nơi kia, ông cụ
vẫn không chịu hé lộ ra.
Bà Cam càng nhớ nhà lại càng tủi thân tủi phận. Bà chỉ thầm trách cho
mình không tháo vát, khỏe mạnh và không biết dành dụm để có được chút
dấn vốn như ai, đến nỗi con trai khi ở tù, thì không có tiền nong quà cáp
gửi gắp, khi trốn tù về thăm nhà, cũng không có được lấy vài ba đồng bạc
đón tay. Còn bố chồng gần bảy mươi tuổi đầu, lúc khỏe làm quần quật, vun
vén cho mình bằng ba người bõ già, lúc mệt mỏi túng thiếu thì... nhịn đói!
Dù bị xấu số thiệt mệnh, vì dân vì nước mà chết, chồng bà chẳng đời
nào ân hận về bà, nhưng chính vì thế bà càng xót xa, càng tủi cực. Điều
cuối cùng và cũng là điều trên hết da diết tâm sự bà, là bà đẻ phải cái đứa
con gái chị thằng Cam kia: Gái đen. Cái thằng Kiều mặt chó ấy mà Gái đen
có mang, có con với nó ấy, nó đã quay, đã phản, đã không từ bỏ một sự hèn
hạ, nhẫn tâm nào. Cứ như người ta nói đến tai bà, thì Cam bị bắt cũng chỉ
vì nó theo dõi thôi! Hơn nữa, thằng Sơn con út nhà ông ký Thái, ngoan