Ông ký Thái lên xe ngồi ngay ghế đệm hàng đầu, bên cạnh ghế của
một ả buôn chuyến vừa lẳng lơ vừa trẻ đẹp, trò chuyện cứ như xoắn lấy xốp
phơ. Người lái xe đã mở máy, ông ký Thái còn vẫy vẫy tay:
- Cô nhớ nhé, nhớ dặn hộ tôi cháu Sơn phải nấu nước mà tắm, và sáng
ra dù nắng ấm cứ phải mặc áo len mà tập thể dục. Còn cái sáo của cháu, tôi
đã bện cho sợi dây bằng len để treo ở cửa bàn học, cháu thổi xong đừng bỏ
vạ vật quên đi hay ngồi lên giập đấy! Cứ hỏng lại đi tìm, đi chọn nứa trúc,
nướng dùi, khoan lỗ, chuốt ống... (ông nói tiếp bằng tiếng Pháp). Mất nhiều
thì giờ quá! Mất nhiều thì giờ quá!...
Ôtô chạy, ông ký Thái cúi cúi nhìn ngước qua mặt kính, bụi nắng tung
đằng sau, thở phào một tiếng:
- Ôi, Thượng đế của tôi! Ở trên phố người ta làm sao được tỉnh táo,
sảng khoái như thế này?!
... Cũng hôm ấy, gần trưa, Hải Phòng dần tấp nập nhộn nhịp hẳn lên.
Vẫn chỉ đường Bônbe và khu Cầu Đất. Ngay từ 12 giờ, ở ngõ Cố Đạo đâm
ra đường Cầu Đất, đã ồn ồn người đi và xe cộ. Đây lại có trận bóng. Không
phải hội hè đón tiếp ai, nhưng ở cả cổng và chung quanh bãi đều trồng cột
treo cờ tam tài, cờ Bảo Đại và từng chặng, từng chặng có ảnh và lời Thống
chế Pêtanh nói về tình hình phục hưng của nước Pháp và các xứ thuộc địa.
Những câu bàn cãi tán tụng hai đội bóng hôm nay với những chân đá
trứ danh cũng như xoàng xĩnh của nó và cả những đội khác, làm ầm ầm
suốt dọc đường, tưởng như trên thế giới không gì quan trọng bằng, hay có ý
nghĩa và làm hứng thú hơn. Chưa phải trận vào chung kết của giải hàng
năm vô địch Bắc Kỳ, hay lấy vào đội tuyển miền Bắc, nhưng đội Bông Bắc
Kỳ mới trẻ của Nhà máy sợi Nam Định đang lên chân, làm nghiêng ngả
bao nhiêu cửa thành ghê gớm, và đội Ôlempích già dặn, sừng sẹo con cưng
của thành phố Cảng Hải Phòng, đều được các báo hàng ngày cả Tây lẫn ta