- Truyền đơn rải ngay trong trại lính Nhật ở Đáp Cầu đây này. Những
người buôn bán ở chợ Đáp Cầu cũng mét tinh đây này. Sông Cầu nước
chảy lơ thơ.... bây giờ cũng nổi như thế đấy! Trần Văn ạ, nếu tôi mà về quê
bây giờ thì nhất định không chịu vắng mặt một cuộc mét tinh nào. Nghe
đồn hôm diễn thuyết ở chùa Phật Tích, ở chùa Bạch Môn có cả sư nữ lên
phát biểu ý kiến, còn chị cán bộ Việt Minh thì đẹp hơn cả bà chúa Chè ấy!
- Thôi cứ bằng bà chúa Chè vậy.
- Sao lại thôi với vậy! Cứ là bà chúa thì nhất, còn là cán bộ thì không
đẹp, không nhất ư? Này, ngày xưa các phiên chợ Lim, chợ Dầu hay các
đám hội, gái làng Tam Sơn, Nội Duệ, Ngang Khám mà khoác tay nải hay
gánh tơ gánh vải đi đường, cứ như các cô Tấm trẩy hội ấy. Con gái các nhà
quan, các nhà giầu Hàng Đào, Hàng Ngang có về đây cũng chẳng còn ra
cái thớ gì trước các cô chọn làm tướng, làm quân cờ đấu giải.
- Từ làng Dậu xuống Phù Ninh có xa không nhỉ?
- Xuống Nành ấy à? Chỉ bằng chợ Đồng Xuân lên Hồ Tây, hay từ phố
Cầu Đất ra ngoài bến Sáu Kho thôi. Trần Văn có thuộc sự tích bà chúa
Nành không? Là Ngọc Hân công chúa này... là con gái đẹp và quý nhất của
vua Lê này...
- Là vợ vua Quang Trung... là thi sĩ nữa. Bài thơ của Ngọc Hân khóc
vua Quang Trung được xếp vào áng văn chương tuyệt vời đấy! Hay nói
một cách khác, đây là bài thơ tình trang nhã, thắm thiết, tiếc thương người
anh hùng, khó mà có ai làm được. Ai tư vãn! Ai tư vãn!...
Tóc Dậu đã có nhiều sợi khô, lại bồng lên, làm gương mặt lồ lộ.
Không phấn sáp, da săn sẻ khác hẳn ngày trước. Toàn thân tuy không còn
thon lẳn nhưng vẫn mượt mà trong bộ quần áo lụa may hơi chét. Gió mai
thổi lộng. Hương tóc của Dậu nhiều phút át cả hương hoa ngoài vườn.