ra nước ngoài. Và cũng kệ cha cả cái nước nào đó nhận cho Hítle nương
náu!
Đểu quá! Đểu quá! Đểu vô cùng! Đểu trên hết mọi sự đểu là... cái sự
quân phát xít để Hồng quân Nga vào trước Bá linh chiếm Bá Linh. Đã có
gan ăn cướp sao lại không có gan chịu đòn. Cho nổ tan hết cả Bá Linh cùng
với quân Nga khi quân Nga vào có hay không? Hay thiêu ra tro cả Bá Linh
với quân Nga thì càng tốt nữa!!! Tiên sư cha mày Hítle ạ! Tiên sư cha cả lũ
chúng mày Hítle ạ!
Em Nguyệt của Kiều đã không thể không thấy rõ sự bối rối của Kiều.
Mà Kiều càng làm ra bộ thoải mái, ung dung thì gương mặt lại càng như
phản chiếu rõ thêm cái tâm trạng đen tối. Kiều ung dung thoải mái vì chỉ
trong vòng hai tháng nay Kiều không những không mắc nợ ai, không phải
mua chịu mua đựng mà trong nhà sắm sửa ăn tiêu như được trúng số độc
đắc. Đã giường gỗ lát, lại sa lông gỗ lúp, đã sa lông gỗ lúp lại tủ áo gương,
tủ buýp phê, bàn đánh phấn, kê cứ ụn cả nhà với các thứ đồ sứ, pha lê, mạ
kền mạ bạc bày ở cả mép cửa sổ, góc tường, xó lan can... Còn tiền thì đầy
một ngăn kéo tủ, tuy có khóa đặc biệt nhưng không khóa, em Nguyệt và
Kiều tiện tay lúc đi chợ, đi phố cứ rút từng tập giấy bạc năm trăm cũng như
năm đồng... Cố nhiên là Kiều gửi tiền về nhà quê và mua sắm các thứ trước
nhất cho bố rồi đến vợ cả. Kiều bảo Kiều vừa chạy được mấy mối hàng và
sẽ còn kiếm được nữa, kiếm được nhiều nữa, vì cả những nhà buôn đồng
bán sợi phất nhất ở Hà Nội, Hải Phòng cũng phải nhờ cậy đến Kiều, bỏ vốn
cho Kiều tùy tiện sử dụng.
Món hàng đã đem tiền đến cho Kiều là những vụ bắt giam, trong đó có
ông ký Thái, ông giáo dạy trường Hàng Kênh và ông chủ hiệu sách Chí
Tín. Trong báo cáo mật với Bốn Mắt thì Vũ Sinh là con ông ký Thái đã ám
sát Đỗ Đức Phan ở Hải Phòng và chơi khá thân với mấy kẻ ám sát viên
quan Nhật ở trước rạp Tố Như trên Hà Nội. Ông giáo Hàng Kênh ngày
trước cũng dạy Kiều học thì chứa chấp Vũ Sinh và làm liên lạc giữa Việt