đội, vẫn cắp. Hết nước, hết trầu cau, thì thêm mấy ống cân gạo buộc túm
vào khăn vuông mớ khoai tây, miến vụn của bọn trẻ con bấu xấu, và dúm
mắm tôm đặc, bó rau muống, rau cải đi qua phố mua vội... Người mẹ ấy
nhiều buổi còn phải dằn thằng Ly ra, tru tréo lên mà lau mặt, lau tay để nó
đi học, không thì mũi dãi bùn đất ghê khiếp quá!...
- Thưa cậu, cậu để cháu châm, cậu để cháu châm. Lý bật lửa, khum
khum tay che, kính cẩn đưa Thanh.
Lý càng thấy như thật mẹ và em đang cùng mình ở trước mặt cậu giáo.
Còn Thanh thì vẫn nhìn kỹ Lý, từ cái thân hình cao dỏng, gầy và xanh, mặc
quần áo lính vải màu nước dưa, không đội mũ và có lon liếc gì cả, tóc sã
như cánh gà rù, ngồi đối diện mình kia, Thanh nhớ đến hôm xưa còn nắm
tay viết cho cái thằng Lý tóc để rũ, gương mặt lỳ, mắt ti hí, sức vóc khỏe
hơn cậu giáo, nhưng có vẻ ngoan ngoãn và quý mến cậu giáo khác hẳn với
những đứa cùng học.
Lý cũng không thể tưởng tượng được lại gặp Thanh ở đồn đây. Thanh
cũng thế. Chính Lý đã chạy theo gọi Thanh, khoanh tay cúi đầu như ngày
trước, rồi xoắn xuýt mời Thanh vào hàng bia nước chanh. Thanh đang vội
nhưng phải nán lại chuyện với Lý gần hai tiếng đồng hồ. Hôm đó, Thanh
về báo cáo ngay với Xim. Vy bố, Chấn,
Cao và Xim đều reo lên và quyết định tức khắc công tác cho Thanh.
Lại một lần gặp nữa. Lần này, Lý nhất định mời Thanh về ăn cơm ở
nhà người nấu tháng cho mình. Tối, Lý còn xin phép cai xếp cho mình ngủ
nhà. Đến hôm nay thì Thanh coi như đã nắm vững được hoàn cảnh tình
hình trong đồn. Từ viên đội nhì cháu họ bếp Kình, đến viên cai xếp, viên
cai thơ lại, lính nhà giấy và từng người bếp, người lính cùng ngũ với Lý...
Tính nết hoàn cảnh lai lịch của từng người; tháng năm đi lính tập tành trận
mạc, đã đóng ở những tỉnh nào, đồn nào, đi những đâu, làm gì, đối xử với
dân cũng như với tù ở các trại các đề lao ra sao, đi đánh dẹp bao nhiêu nơi,