đâu dồn dập tiếng súng máy của Nhật và tiếng súng bắn tỉa của mình,
Thơm lại chỉ muốn đến ngay xem người mình có bị thương bị chết ai
không và Nhật bị hạ bao nhiêu đứa. Nhưng từ chỗ chỉ huy và các tổ chiến
đấu vẫn chưa báo về có anh chị em tự vệ nào bị chết bị thương cả.
Thơm cũng tiếc, Thơm tiếc nếu mình cũng được giữ súng, được vào tổ
chiến đấu ở mặt đó, và Thơm lại càng nghĩ đến bao nhiêu việc, bao nhiêu
chuyện khác... Lúc Thơm cùng hàng xóm liệm cha Thơm nhập quan, sau
đó một tháng, người anh Thơm lên Hà Nội rồi chết, Thơm chỉ được nghe
kể lại là có người quen cho một cái chăn quấn chặt chẽ hẳn hoi khiêng ra
ôtô chứ không bị trần truồng vứt lên xe bò rác đem đi chôn... thì Thơm chỉ
muốn đi mượn ngay súng lục của các đồng chí để tìm mấy thằng tây thằng
Nhật được biết là đứng đầu các sở các nhà nắm quyền mua bán thóc gạo
hay làm quan to chức trọng, mà bắn chết hết. Bắn suốt qua thái dương
chúng nó. Bắn xuyên qua mặt chúng nó. Gí súng tận trán chúng nó mà bóp
cò. Thơm càng tưởng tượng càng thấy bàn tay rất chắc, trống ngực rất đều.
Cũng như Thơm càng thấy rằng cho đến lúc chết Thơm vẫn không thể
bao giờ ngồi yên tâm ăn bất kỳ bữa cơm nào thịt cá xào nấu năm bảy món,
mà thấy vẫn còn có người đói rách ăn mày ăn xin, vì không có công ăn việc
làm, ốm yếu bơ vơ, hay vẫn cứ phải nghĩ nhớ những cảnh ngày chết đói tàn
khốc khủng khiếp kia.
"Thơm sẽ tình nguyện suốt đời dạy truyền bá quốc ngữ hay nuôi
dưỡng các trẻ mồ côi... Thơm sẽ không lấy một đồng tiền công nào ngoài
món tiền may một năm hai bộ quần áo và xuất đóng góp cho cơ quan thổi
nấu ăn uống. Lấy chồng, có con, chồng Thơm cũng phải sống như thế với
Tổ chức". Bởi vậy khi Cao ngỏ ý lấy Thơm và ông bố Cao sẽ cho làm lễ
cưới Thơm về nhà mà ai nấy đều rất vun vào, thì Thơm bảo Cao:
- Sao lại phải cưới tôi? Cứ cách mạng thành công là tôi... cưới anh
ngay. Tôi vay trước Tổ chức nửa tháng sinh hoạt phí, tôi mời các anh các
chị như Chấn, Minh Hiền, đồng chí Vy, đồng chí Lương đi ăn một chầu phở