được rõ ràng và đầy đủ ở trước mắt Sơn... Phải, Sơn vẫn giữ được hình ảnh
ấy cùng với cuốn Tư bản giãy chết, cuốn Chính phủ và Cách mạng, và cuốn
Tuyên ngôn của Đảng cộng sản bằng tiếng Pháp của Chấn mua cho, đã
hướng dẫn Sơn đọc, từng đoạn, từng câu, từng ý, đến nay vẫn giấu trong
tường kia.
- Anh Chấn hói ơi! Thằng Sơn này không thể sống thế này được nữa
đâu!
- Không! Không phải chỉ là mày không thể sống như thế này được
nữa, mà mày không được sống như thế nữa và phải vượt hẳn ra một cuộc
sống mới Sơn ạ!
Đây mới là những tiếng nói Sơn cần được nghe và phải nghe. Những
tiếng nói phán xét, quyết định, ra lệnh. Những tiếng nói của Cam!
Nó chỉ là một thằng chấm dầu ở gầm lò máy, làm tính chưa giải được
đến phép thập phân, đi thi bằng sơ học yếu lược phần quốc ngữ cũng không
đỗ. Bố cũng là thợ đi đày Côn Lôn rồi chết; mẹ làm phu khuân vác ngoài
Sáu Kho; ông gần bảy mươi tuổi, đã mù lại khập khiễng, vẫn còn phải đi
xách nước vo ngoài phố về để nuôi lợn... Chao ôi! Một gia đình, một dòng
dõi. Nếu như xã hội này cần phải có một kiểu mẫu thì Cam ơi! Gia đình
mày chính là kiểu mẫu của sự trong sạch, ngay thẳng, biết tự trọng và mày
chính là kiểu mẫu về tinh thần và ý thức cho chúng tao đây! Cam ơi! Làm
sao tao chắp được liên lạc với mày, được mày giới thiệu với Tổ chức giao
cho công tác, nhất là được thoát ly!!!
Giữa 1939, Sơn còn gặp Chấn hai lần ở Hà Nội. Một lần cùng chiếu
điện phổi ở nhà thương, một lần ở hiệu sách Đồng Xuân, Chấn đọc cho Sơn
chép bài thơ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ở xà lim án chém làm gửi ra
cho mẹ. Còn Cam thì sau khi cơ quan đại lý báo Đời nay bị khám và giải
tán, đồng chí thường trực bị bắt và xử tù hồi tháng 9-1939 nổ chiến tranh,
Sơn cũng chỉ gặp Cam ba lần chuyện trò trao đổi mươi phút về tình hình