và người kéo xe, đẩy xe đến gọn ghẽ. Những cây sào đầu bịt sắt, và những
dĩa bốn răng, năm răng sắt nhọn hoắt, những đòn càn đòn sóc, đều lăm lăm
tua tủa.
Khòa đứng trên mũi một chiếc thuyền cơ sở của Dâng cứ vẫy vẫy mãi
bà cụ Xim, mẹ Nghĩa, và gọi tên thằng bé nhà vợ chồng Thanh. Lương đội
mũ sắt của lính tàu bò Pháp và đi đôi ủng da của Nhật. Khẩu súng máy
cướp được của Nhật trong trận tháng trước, một tự vệ cao lớn cầm lăm lăm
đi bên. Giữa hàng còn có bốn khẩu súng trường hộ vệ lá cờ rất to, cũng một
đồng chí tự vệ vậm vạp được cắt giữ. Băng vải đỏ thì dán chữ trang kim
khẩu hiệu tự tay Lương kẻ cắt và sắp xếp.
Dễ thường hàng tháng nay không chịu cạo mặt nên bộ râu quai nón
của Lương rậm rịt. Ngập đầu trong công việc, vẫn đau bụng, vẫn phải ăn
cơm nếp nát, nhưng Lương nhất định không chịu đạp xe mà cùng đi với
đội.
Đội của Lương lại vừa mò thêm được bốn khẩu ở dưới sông, nên ba
hàng súng và bốn hàng giáo, mác, mã tấu trông càng mạnh. Toàn những trai
tráng lực lưỡng. Có những cô gái lực lưỡng còn hơn cả đàn ông, cũng tay
gươm, tay mã tấu, tay súng, bước roàn roạt, một hai một hai thình thịch.
Xim đi ở hàng cuối với ba phụ nữ đứng tuổi và hai chị trong ban chấp
hành. Chỉ còn vài tháng nữa là Xim nằm cữ nên người càng ậm ạch. Trong
bốn hàng tự vệ võ trang dẫn đầu có ngót chục cụ trên sáu mươi tuổi, thắt
lưng ra ngoài áo chẽn, vác mã tấu và thanh phạng. Đội các cụ ngoài lá cờ
đại giương cao còn có cờ riêng, hình đuôi nheo, buộc đầu một ngọn giáo,
thắt dải kim tuyến và thêu bốn chữ vàng "xả thân cứu nước". Mấy cụ mặc
áo rộng tay lụa nhuộm màu Tam Giang thắt lưng lụa màu lục trông như
chiếc bào bằng vóc. Có hai cụ khoác hai tấm khiên mây tẩm dầu và gác bếp
kỹ hơn sừng, đầu đội nón chóp đồng cũng tự tay đan lấy bằng mây. Hai cụ
già nhất râu tóc bạc phơ quấn khăn nhiễu đỏ, quần màu gụ, xà cạp dạ tím