và suy nghĩ. Tôi chỉ hồi hiện và phác tả. Tôi chỉ tưởng tượng và tưởng
tượng. Ngay trong khi tôi xếp gạch cờ-lanh-ke ở lò nung, hay đẩy goòng,
hay lái xe cày, ngay trong khi tôi làm việc, hội họp, chuyện vui, ăn uống, đi
chơi với những bà con anh chị em công nhân ở đây, tôi đều không thấy
mình là nhà văn và là nhà văn đi lấy tài liệu, tìm tài liệu gì cả. Tôi chỉ là
một con cháu của đất Hải Phòng, sống với những bà con thân thuộc của
mình; dĩ vãng của họ, lịch sử của họ gắn với dĩ vãng và quá trình trưởng
thành của tôi như chính là dĩ vãng và lịch sử của cha ông tôi, của con cháu
tôi. Từng mảy may ý tình của những anh chị em công nhân chung quanh
tôi, của gia đình công nhân nơi tôi ăn ngủ và đi lại, mà tôi được nghe họ thổ
lộ, tôi đều không thấy xa lạ một chút nào và chỉ làm tôi càng thấm thía, làm
tôi càng thấy rạt rào, càng thấy thêm bao nhiêu sự sâu xa, yêu mến của con
người. Tôi sống một sự sống rất hàng ngày với tất cả những diễn biến bình
thường của nó. Nhưng khi xây dựng cốt truyện, khi xây dựng lại những
nhân vật, khi đề lên những vấn đề của những nhân vật, thì lại là những phút
cao độ nhất, quyết liệt nhất, mê man nhất của tôi trong một sự hủy diệt và
tái tạo phức tạp nhất. Tôi thật làm nhà văn. Tôi phải sáng tạo. Tôi phải chịu
những trách nhiệm đặc biệt. Sự sống của văn học đòi hỏi tôi phải vui trước,
đau trước, hy vọng trước, thấy tương lai trước; tôi phải dựng lên cho mặt
đất những con người , những cuộc sống có phần nhuần nhụy, tươi rói, sinh
động còn hơn cả những cuộc sống, những con người đã có mặt trên mặt đất
với tôi. Nếu không được thế, thì cái nợ, cái ơn tình, cái nghĩa sống mà họ
đòi hỏi ở nơi tôi, lòng tin cậy của họ đối với tôi, chức năng mà họ đặt cho
tôi, vinh dự và tình yêu của họ choàng ấp cho tôi, tất cả những điều đó, tôi
không trả được không đền đáp được! Tôi không xứng đáng một chút nào
hết.
Tôi đã viết Sóng gầm không ở Hải Phòng mà ở Yên Thế, quê hương
chiến đấu của anh hùng Hoàng Hoa Thám. Trong khi viết Sóng gầm, tôi lại
sống với những người nông dân ở chung quanh tôi, những con người sau
đây rồi tôi lại phải trả nợ trong cuốn tiểu thuyết lịch sử về Yên Thế và
Hoàng Hoa Thám. 1959 tôi đã viết xong năm chương đầu Sóng gầm. Năm