nó. Phải! Tôi đã chỉ tưởng nghĩ như thế, còn viết về nó tôi vẫn thấy ngại
ngùng và không sao cất nổi những dòng chữ bắt đầu...
***
Nhưng những dòng chữ bắt đầu không những đã bắt đầu được mà đã
thành trang, thành tập. Tôi đã trở về Hải Phòng giải phóng. Tôi đã trở về
với Hải Phòng những ngày đầu tiên tiếp quản. Tôi đã trở về với Hải Phòng
tàn phá tan hoang dần dần khôi phục. Tôi đã trở về với Hải Phòng không
những đã lên da lên thịt, khí huyết dạt dào, mà còn tươi sáng lên, rực rỡ,
nguy nga. Hải Phòng đương nhả khói, đương vang động các tiếng còi tàu.
Hải Phòng đương từng giờ từng giờ đổi khác với những cơ sở công nghiệp,
với những khu công nhân, với những trường học, những vườn hoa, những
nhà thương, những phòng đọc sách, những nhà ăn công cộng, với những
con người từ đây vĩnh viễn làm chủ đời mình, những con người lao động
mà cha ông đã đổ mồ hôi xây dựng, đã rỏ máu chiến đấu cách mạng và
kháng chiến, và con cháu mình đương lớn lên dần dần vào các nhà máy,
xưởng thợ và chia nhau đi các công trường, nông trường toàn đất nước. Tôi
đã trở về Hải Phòng với một tuổi bốn mươi và một tâm hồn thấy trẻ, thấy
khỏe, rạt rào chưa từng thấy.
Tất cả những nhân vật, những cuộc đời, những chuyển biến và những
cuộc chiến đấu mà tôi nghiền ngẫm kia, đã nhuần nhuyễn đến độ mỗi lúc
tôi tưởng tượng ra thì lại hiện lên roi rói thành xương thành thịt hoạt động
lên ở trước mắt tôi, nâng đỡ ngòi bút tôi, thì thầm kể lể, và thôi thúc ngòi
bút tôi phải viết. Tôi đã viết xong Sóng gầm, một giai đoạn chuyển biến
của những nhân vật, những công nhân, những dân nghèo thành thị và
những tiểu trí thức sống trong những phong trào Mặt trận bình dân từ năm
1935 đến 1939.
1958 tôi đi thực tế ở Nhà máy xi măng, thời gian ấy tôi đã hoàn toàn
dành cho công việc xây dựng Sóng gầm. Tôi rất ít ghi chép tài liệu về
những đời sống và những sự việc. Tôi chỉ hỏi và nghe. Tôi chỉ nhìn ngắm