khuya, tôi viết trên cái mặt hòm gỗ bưu kiện với ngọn đèn dầu lạc. Dầu lạc
mẹ tôi gửi từ Hải Phòng lên, cùng với cá khô, tôm kho mặn và mắm ruốc.
Năm ấy dầu tây khan hiếm, vả lại gửi dầu tây rất dễ đổ vỡ, dây dính vào
thức ăn, vì từ Hà Giang vào Bắc Mê phải thồ bằng ngựa lội qua hàng chục
con suối. Có những ngày tôi sốt rét và ho ra máu, tôi nằm đọc cho một
đồng chí viết. Dạo sau này tôi viết bằng bút chì. Tất cả được gần 300 trang
giấy pơluya mỏng. Tập Xóm Cháy viết xong, tôi ghép lại thật chặt, bọc
bằng tờ giấy dầu, giấu trên nóc mái lá đầu sàn chỗ tôi nằm... Hoàn thành
xong bản thảo này và cất giấu đi, tôi cũng không mong được xuất bản hay
gửi ai đưa về nhà cả. Trừ phi chiến tranh kết liễu, cách mạng thành công,
hay tôi được tha. Thì một tối... tôi giở xem tập Xóm Cháy, không thấy đâu
nữa. Thời kỳ này "căng" đương bị khủng bố. Những "chó" lớn, "chó" bé ở
"căng" cùng với bọn "a - b" cài vào cứ sin sít.
Tôi ngơ ngẩn không biết là bao nhiêu lâu. Nhưng rồi tôi lại viết. Tôi
không viết tiểu thuyết nữa. Tôi viết những mẩu ngăn ngắn giả làm nhật ký
và thư. Lúc được tha về, tôi lấy một số mẩu đó viết thành tập Cuộc sống.
1942, tôi về quản thúc ở Hải Phòng. Bốn chương đầu của bản thảo đầu
tiên trong Xóm Cháy, mẹ tôi giữ cho tôi vẫn còn. Cầm trong tay, đọc lại
những chương truyện mà bao nhiêu người quen biết, thân thuộc trước đây,
kẻ xiêu tán đi hết, kẻ vẫn tiếp tục chiến đấu, kẻ tù đày, chết, đứa quay ra
phản bội, đứa giàu có mãi lên, giữa cái thành phố từng giờ, từng ngày rền
rú còi báo động bom Mỹ, hết nhà máy này đến xưởng thợ khác đóng cửa,
cứ hàng nghìn hàng nghìn thợ đuổi ra, bơ vơ không còn biết đi đâu, đêm
đêm phố xá lạnh vắng với ánh đèn xanh, gọi là đèn phòng thủ, tinh mơ dậy
đã thấy tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếng ngựa hí, tiếng gót giày đinh xào xạo
ngoài đường, tiếng những thanh gươm xàn xạt bên đùi của những sĩ quan
Nhật lạnh lùng, tàn bạo,... đọc lại Xóm Cháy và sống giữa những ngày ấy,
tôi lại thấy cồn cào cả tâm trí, và lại thấy phải viết tiếp. Nhưng tôi thấy
không thể sao viết tiếp, viết lại được. Những đau xót, những u buồn cứ đè
trĩu xuống ngòi bút tôi. Càng cố đưa ngòi bút đi chỉ mong được lấy mấy