thương của mình đã chết đi sống lại kia, lại tự tay mình xây một cuộc đời
khác, mở ra một bầu trời khác.
Những con người và cuộc sống ấy ở Hải Phòng là những con người và
cuộc sống của quần chúng làm cách mạng. Trong cách mạng, họ đã đi đến
mỗi người với một sự đau xót, với một niềm khát khao không thể nào xóa
nhòa được. Nhưng cũng trong cách mạng, mỗi người đã phải, vẫn với máu
thịt của mình, chiến đấu để đánh đổi lấy sự tự do, niềm tin tưởng hy vọng
và tương lai cho mình, đã phải chiến đấu một sống một chết với cái giai cấp
thống trị đã đàn áp họ bằng tất cả những sức mạnh tàn bạo nhất và bằng
những sự dã man nhất dưới cả súc vật.
Cách mạng: một lò lửa. Trong lò lửa ấy những xiềng xích đã chảy ra.
Cũng trong lò lửa ấy những cái gì là thối nát, phản động đã bị chiếu rọi tan
tành. Cũng trong lò lửa ấy những cái gì là quý báu nhất, tốt tươi nhất của
tinh thần, tình cảm, ý chí con người đã chói ánh lên, rực rỡ, cất cánh.
Hải Phòng với những quần chúng cách mạng của nó, Hải Phòng với
những con người và cuộc sống lầm than, đau khổ của nó, Hải Phòng với
những năm từ 1935 đến 1945, qua bao nhiêu cuộc biến chuyển với bao
nhiêu sự phân hóa trong các tầng lớp xã hội, Hải Phòng thương yêu, đau
xót, tin tưởng và chiến đấu của tôi ấy, là đề tài của bộ Cửa biển của tôi, mà
tôi đã hoàn thành xong phần một là tập Sóng gầm.
1939, Đại chiến lần thứ hai bùng nổ. Thống trị Pháp ở Đông Dương
chuẩn bị cả một cuộc đầu hàng bọn quân phiệt Nhật. Trong sự chuẩn bị ấy,
chúng trở lại đặc biệt khủng bố phong trào cách mạng, bóp nghẹt và cướp
lại những quyền lợi mà quần chúng công nông đã giành giật được. Sau
những bài báo: Những giọt sữa, Người đàn bà Tầu đăng trên tờ Mới của
Đoàn thanh niên dân chủ xuất bản ở Sài Gòn, tôi bị đế quốc Pháp xử tù ở
Hải Phòng. Tôi đã được gặp đồng chí Tô Hiệu trong nhà tù. Cũng trong nhà
tù, tôi được sống với những đồng chí công nhân. Có cả công nhân Hoa
kiều. Đó là hai cha con ông thợ máy già ngoài mỏ Hòn Gai, và một người