DƯỚI CHÂN HÀ NỘI
Những tiếng trên đây, lại vang lên trong những đám dân hốc hác, da
bọc xương, hấp hối ở khắp hang cùng ngõ hẻm... Người ta lại choáng váng
tưởng đến một cửa địa ngục tối thẳm nửa mở ra, một địa ngục trên đó cả
một lũ thực dân, quan lại và đầu cơ đã đục khoét, bóc xương, hút tủy dân
chúng để phè phỡn say sưa và dâm dật.
Những cảnh tượng và những tiếng nói trên đây đã nổi lên trong trí
tưởng tôi khi tôi rời Hà Nội để đi viết những trang "lúa mới" này. Tôi bắt
đầu bằng một vùng ngay cạnh Thủ đô, không, ngay dưới chân Thủ đô, mà
số người chết qua mấy trận tàn phá nọ đã nhiều nhất và thê thảm nhất: dưới
Bãi.
Tôi đã không thể hồi hộp.
Trước những đám nhà lá ụp sụp, long lở bên những bức tường nhà
gạch, vết bùn vàng xạm chấm đầu hồi, một sắc xanh kỳ lạ ùa vào mắt tôi.
Những vũng nước mọi khi bừa bãi rác rưởi, cứt đái, bèo tây giờ bỗng biến
hết thành ruộng. Lúa non mơn mởn, nước lấp lánh nắng, những tiếng rào
rào thấp thoáng, một vùng quê được mùa nào ở bên Bắc chứ không phải là
một vùng ngoại ô Hà Nội với những người chồng đi làm xe, phu khuân vác,
thợ nhà in, thợ máy đèn, thợ cạo, thợ giầy và những người vợ đi bán xôi
cháo, bún bung, bún chả, chè đường, thạch, xáo gạo, bán rau... và những
đứa con đi bán báo, bán nước, đánh giầy mũ hay phất phơ ở các đường, các
chợ.
Càng quá mé dưới, những khoảng trồng trọt càng nhiều, càng xanh tốt.
Ngô khoai cứ san sát ở ngay thềm nhà, ngay trước cửa bếp, ngay rìa lối đi
và ra cả ngoài đường. Không còn một ngọn cỏ nào với đất hoang. Không
còn một rẻo đi nào thừa, ngoài những rãnh để lọt một bàn chân. Và chẳng
hiểu nhà ai trồng, nhà ai không trồng, của nhà này, của nhà nọ, vì dải phù sa